Chỉ trong một thời gian ngắn, người tiêu dùng chưa hết bất an trước vụ việc viên rau củ Kera quảng cáo sai sự thật; gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả được phát hiện thì mới đây tiếp tục là thuốc tân dược giả. Những vụ việc này đã khiến dư luận xã hội hoang mang và phẫn nộ, bởi đây đều là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Đáng sợ là những sản phẩm này đều được bán trên thị trường một thời gian dài mới bị phát hiện, có nghĩa là không bị sự quản lý của cơ quan chức năng. Trong khi rà soát lại trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm thì có 4 cơ quan bao gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và môi trường, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân địa phương cùng tham gia quản lý mặt hàng này.
Trao đổi với Phóng viên VOV2, ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đối với 2 vụ việc lần này, Bộ Y tế nên là cơ quan chịu trách nhiệm chính.
“Tôi nghĩ là nhắc đến thực phẩm sữa, đồ ăn thức uống, thuốc thì người đầu tiên chịu trách nhiệm phải là Bộ Y tế bởi Bộ Y tế cho họ cơ chế tự công bố sản phẩm. Còn Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm liên đới đến đâu thì căn cứ theo quy định về trách nhiệm của họ. Khi sự việc xảy ra như thế, ở địa phương nào thì địa phương đó không thể phó thác trách nhiệm. Nhà nước đã phân rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhưng nếu họ cứ thoái thác thì hậu quả là người bệnh, người dân phải gánh chịu” – Ông Vũ Văn Trung khẳng định.
Cùng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho rằng, hiện nay công tác hậu kiểm chỉ mang tính hình thức, có nghĩa là kiểm tra sổ sách giấy tờ, chứ không có kiểm tra lấy mẫu, trừ khi đã xảy ra vụ việc đáng tiếc.
“Hiện tại có tình trạng một “mâm cơm có 5 người quản lý” dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng: Bộ Y tế, Bộ công thương và chính quyền địa phương. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý”.

Thống kê cho thấy có hơn 90% sản phẩm thực phẩm hiện nay được phép tự công bố và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Con số này là rất lớn. Để khắc phục và ngăn ngừa những vụ việc tương tự xảy ra, Luật sư Nguyễn Hữu Toại đề xuất, cần tăng số lần thanh kiểm tra trong năm, chứ không chỉ 1 lần như hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn để tránh sai phạm kéo dài. Cần sửa đổi Luật ATTP phân định rõ trách nhiệm chính về việc kiểm nghiệm chất lượng, hậu kiểm đối với sản phẩm sữa và thuốc, Bộ Công thương quản lý thị trường và phân phối, chính quyền địa phương chịu giám sát tại cơ sở.
“Về công tác hậu kiểm, tôi cho rằng nên bổ sung quy định về kiểm tra đột xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ trên diện rộng, đặc biệt là đối với sản phẩm nhạy cảm như sữa, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tại Việt Nam, do năng lực hậu kiểm, quản lý còn yếu, việc cho doanh nghiệp tự công bố trước khi lưu hành dẫn đến hàng giả tràn lan, đặc biệt quy định hiện hành không yêu cầu chỉ tiêu chất lượng, chỉ tập trung an toàn, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp công bố sai sự thật. Thời gian tới, nên bổ sung quy định kiểm tra sản phẩm trước khi lưu hành, yêu cầu doanh nghiệp nộp kết quả kiểm nghiệm chất lượng do cơ quan độc lập thực hiện trước khi tự công bố. Cơ quan quản lý như Chi cục ATVSTP phải thẩm định hồ sơ và cấp xác nhận trong vòng từ 7-10 ngày làm việc. Điều này giúp sàng lọc sản phẩm kém chất lượng ngay từ đầu” – LS Nguyễn Hữu Toại nói.
Những năm qua, người tiêu dùng đã chứng kiến nhiều vụ việc mỹ phẩm giả, hàng giả, hàng kém chất lượng và đến bây giờ là sữa giả, thuốc giả với số lượng, quy mô lớn chưa từng thấy. Điều đó cho thấy lỗ hổng trong giám sát, thanh tra, việc thiếu kết hợp trong quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là nên chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình, trách nhiệm của từng cơ quan liên quan, nếu không, những vụ việc như thế này sẽ vẫn còn tiếp diễn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.