Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có hơn 600 cụm camera giám sát giao thông hoạt động 24/24h, ghi nhận vi phạm tại các tuyến đường. Dữ liệu từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm chỉ huy giao thông (Phòng CSGT Hà Nội) để lực lượng chức năng theo dõi, phân tích và xử lý. Với mạng lưới camera giám sát giao thông ngày càng phủ rộng, hình thức phạt nguội sẽ siết chặt hành lang pháp lý, tránh tình trạng chấp hành theo kiểu đối phó. Đại uý Đào Thế Phương, cán bộ Phòng CSGT Hà Nội, cho biết, việc xử lý vi phạm qua hệ thống camera đã hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông. "Giám sát bằng công nghệ giúp quá trình xử lý khách quan, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; đồng thời, góp phần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, hướng tới xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh trên địa bàn Thủ đô", đại úy Đào Thế Phương khẳng định.

Chỉ tính trong tháng 3/2025, hệ thống camera giám sát đã phát hiện 571 ô tô vi phạm giao thông. Và khi có hệ thống camera giám sát người dân không thể “cãi” như trước. Những trường hợp đỗ nơi có biển cấm đỗ, hoặc những trường hợp lấn làn, vượt qua ngã tư khi tín hiệu đèn giao thông không cho phép… tất cả đều hiển thị rất rõ trên hệ thống camera. Người vị phạm không thể chối khi nhận được những hình ảnh này.


Phạt “nguội” là hình thức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên các tuyến đường. Từ hệ thống camera giám sát, các thông tin, hình ảnh sẽ được gửi về trung tâm xử lý, truy xuất thông tin về phương tiện vi phạm, xác định chủ phương tiện, địa chỉ để gửi thông báo xử phạt.
Hiện nay, số lượng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, gây rất nhiều áp lực đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. “Thời gian đầu, chúng tôi cần sự phối hợp với lực lượng công an địa phương, dân phòng, xung kích… chứ địa bàn rất rộng, không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi quân số còn mỏng”, thượng tá Trần Văn Công, Đội CSGT số 4 chia sẻ.
Với hệ thống camera hiện nay, người dân nếu không tự giác chấp hành, hoặc chỉ chấp hành khi có cảnh sát giao thông, các camera sẽ ghi nhận và thông báo đến các chốt ứng trực trên đường để xử lý. Những lý do quên mang theo giấy tờ, hay mất giấy tờ để không bị tạm giữ đều không thuyết phục, khi chỉ cần tra cứu trên phần mềm ứng dụng hiện nay sẽ ra các thông số như tên, tuổi, chủ phương tiện và lịch sử vi phạm để qua đó CSGT thực hiện xử lý theo quy định. Đại úy Đăng Văn Trường, Đội CSGT số 1 cho biết thêm: “Từ khi triển khai phạt nguội, các hình ảnh lỗi vi phạm sẽ được truyền từ Trung tâm chỉ huy, tới các chốt, ghi rõ lại hình ảnh, biển số, người điều khiển thậm chí cả ngày giờ vi phạm”.


Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành đánh giá cao về những thay đổi thông qua “phạt nguội” lỗi an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô. “Trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát và giảm. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh phương tiện giao thông tăng nhanh, tuy nhiên, từ đầu tháng 3/2025 đến nay, xuất hiện tình trạng "né chốt", tái vi phạm, đi ngược chiều đi trên vỉa hè... Bên cạnh đó, không thể phủ nhận Hà Nội đang áp dụng hiệu quả camera giám sát tích hợp AI", ông Lê Kim Thành nhận xét.

Với hơn 600 cụm camera giám sát thông minh, tình hình giao thông trên nhiều tuyến phố, nút giao, các xung đột, va chạm giao thông; biển số ô tô, xe máy được camera ghi lại rõ nét theo thời gian thực… người vi phạm bị xử phạt cũng “tâm phục, khẩu phục”; vừa giúp cho cán bộ xử lý tránh được lạm quyền, tiêu cực. Đây là sự thay đổi lớn giúp người tham gia giao thông thực sự chuyển đổi ý thức, nhận thức về văn minh giao thông.