Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Thông tư mới này, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì giới hạn tối đa 30 ngày.

Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày do Bộ Y tế ban hành có 16 nhóm bệnh là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa,…

Danh mục này có tổng cộng 252 bệnh, trong đó có các bệnh mạn tính phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm... cho đến viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, các bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ, cũng như một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì.

Tuy nhiên, theo TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bác sĩ sẽ phải đánh giá từng bệnh nhân cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày, chứ không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là sẽ được mặc định cấp thuốc 90 ngày.

Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường, hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh đơn thuốc nếu cần.

Thông tư cũng quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình, đảm bảo phù hợp với chẩn đoán, mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà.

Thực tế thời gian qua cho thấy, đề xuất này không chỉ làm giảm phiền hà cho người bệnh mà còn giảm tải cho bệnh viện.