Sáng 1/7, tại xã Thọ Phú, tỉnh Thanh Hóa, Lễ ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 đã chính thức được tổ chức. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia quy mô lớn, mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống người dân Việt Nam.
Tổng điều tra quy mô toàn quốc, thời gian thu thập thông tin kéo dài 30 ngày
Thực hiện Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Phương án Tổng điều tra được ban hành tại Quyết định số 2235/QĐ-BCĐTW, cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 được triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước, kéo dài trong 30 ngày, từ 1/7 đến 30/7/2025.

Cuộc điều tra lần này bao trùm nhiều đối tượng và đơn vị điều tra, với nội dung sâu rộng và phức tạp. Đội ngũ tham gia gồm hàng vạn điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên cùng Ban Chỉ đạo các cấp, được đào tạo bài bản, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra lần này. Theo bà, đây là cuộc điều tra thứ 6 kể từ năm 1994, có vai trò then chốt trong việc cung cấp dữ liệu toàn diện, đáng tin cậy cho công tác xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.

Điểm nổi bật của cuộc điều tra năm nay là nội dung được mở rộng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin trong bối cảnh mới: chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, giảm nghèo đa chiều và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Hương cũng khẳng định: “Cuộc điều tra lần này sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập và xử lý số liệu; khai thác hiệu quả dữ liệu hành chính sẵn có, giảm thiểu gánh nặng cho người dân; kết hợp các phương thức thu thập như phiếu CAPI và biểu mẫu Webform, bảo đảm linh hoạt và chính xác”.
Được chọn làm điểm ra quân cấp quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai các bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho điều tra viên và giám sát viên trên toàn tỉnh. Ngoài việc hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, các lớp tập huấn còn trang bị kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử, phần mềm nhập liệu hiện đại để đảm bảo độ chính xác và tiến độ.

“Thông tin điều tra sẽ là cơ sở quan trọng giúp các cấp chính quyền đánh giá sát thực tình hình sản xuất, kết cấu hạ tầng, đời sống người dân nông thôn; từ đó hoạch định các chính sách phát triển hiệu quả hơn, phù hợp với từng vùng miền”, ông Tùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi người dân thể hiện tinh thần trách nhiệm, hợp tác chặt chẽ với điều tra viên để cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn. “Sự tham gia tích cực của người dân chính là nền tảng quyết định thành công của cuộc điều tra”, ông Tùng nói.
Xã Thọ Phú: Sẵn sàng cho một cuộc điều tra toàn diện
Xã Thọ Phú (Thanh Hóa) là một trong những địa phương được sáp nhập từ 5 xã cũ, với diện tích 35,12 km², 40 thôn, hơn 9.300 hộ dân và trên 32.000 nhân khẩu thường trú. Tại đây, có tổng cộng 45 địa bàn điều tra, tương ứng với 45 điều tra viên đã được tuyển chọn, tập huấn và sẵn sàng ra quân.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã cho biết: “Chúng tôi đã hoàn tất các khâu như phân chia địa bàn, lập bảng kê hộ dân, trang trại, tuyển chọn nhân sự, tuyên truyền đến người dân… Sau lễ ra quân, các điều tra viên sẽ ngay lập tức xuống địa bàn để thu thập dữ liệu theo đúng tiến độ đề ra”.
Tuy nhiên, ông Thành cũng chia sẻ một số khó khăn như bảng hỏi dài, yêu cầu kỹ thuật cao, thời điểm triển khai trùng với giai đoạn vận hành mô hình Chính quyền địa phương hai cấp, nên không tránh khỏi áp lực về tổ chức, nhân lực và tiến độ.

“Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao từ ngành Thống kê, sự phối hợp từ các cấp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và góp phần vào thành công của cuộc Tổng điều tra toàn quốc”, ông Thành bày tỏ.
Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 không đơn thuần là một hoạt động thống kê, mà là cơ sở dữ liệu sống động và thực tế phục vụ công cuộc phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn mới và an sinh xã hội bền vững.

Kết quả điều tra sẽ phản ánh chân thực hiện trạng sản xuất nông nghiệp, đời sống dân cư, điều kiện hạ tầng nông thôn, từ đó góp phần quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển, phân bổ nguồn lực hợp lý và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.