Bình thường, giọng nói của chúng ta khá trong với cường độ cao, thấp khác nhau. Tuy nhiên, sau khi bị viêm họng, viêm thanh quản hoặc tham gia hoạt động phải nói to, nói nhiều, giọng nói có thể bị khàn, đục, âm lượng giảm, thậm chí phát âm không thành tiếng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến giao tiếp mà còn khiến nhiều người lo lắng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy – Trưởng khoa Tai, BV Tai Mũi Họng Trung ương, sau khi bị viêm đường hô hấp, dây thanh còn phù nề nên việc phát âm sẽ khó khăn hơn bình thường, khi nói bệnh nhân phải gắng sức hơn một chút để âm lượng đạt được như cũ. Khàn tiếng là hiện tượng khá thường gặp và có thể biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, trong giai đoạn dây thanh đang hồi phục thì bạn nên giữ gìn, không nên nói nhiều hay nói quá to. Đồng thời nên uống nhiều nước ấm giúp làm dịu cổ họng và giảm viêm. Bạn cũng nên lưu ý hạn chế những đồ ăn, thức uống có tính chất kích thích như thực phẩm có vị cay, chua. Khi ngủ, bạn nên gối đầu cao tránh dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản và khiến tình trạng viêm họng lâu khỏi hoặc nặng hơn.
BS Nguyễn Hoàng Huy cũng lưu ý, nếu sau hai tuần, hiện tượng khàn tiếng không giảm thì người bệnh nên đi khám lại, nội soi tai mũi họng để tầm soát các bệnh lý khác ở thanh quản như hạt xơ thanh quản, u nang lành tính thanh quản, ung thư thanh quản…nhằm có biện pháp điều trị kịp thời.

Trong cuộc sống hàng ngày, đối với những người thường phải nói nhiều như giáo viên, người livestream bán hàng… để bảo vệ thanh quản, tránh khàn tiếng thì nên lưu ý không gắng sức nói to mà nên sử dụng các thiết bị trợ giảng như micro để đạt âm lượng mong muốn. Về tư thế phát âm cũng nên chú ý giữ cổ ở trạng thái bình thường, không vươn cổ lên làm căng các cơ ở vùng cổ, gây ảnh hưởng đến phát âm và dễ gây khàn tiếng thanh quản. Đồng thời trong quá trình giảng dạy, thuyết trình hoặc khi livestream bán hàng nên duy trì uống nước đều đặn sẽ giúp cho dây thanh không bị khô. Giữa các tiết học hoặc trong lúc giải lao, bạn cũng nên để thanh quản nghỉ ngơi, tránh tiếp tục nói chuyện nhiều.
Việc hít thở sâu cũng giúp bạn kiểm soát được nhịp thở, giữ cho giọng nói ổn định hơn, tránh tình trạng hụt hơi và khàn tiếng. “Chúng ta biết là năng lượng phát âm chính là luồng hơi từ phổi lên. Bình thường khi hít thở mình có thể nói được 10 từ nhưng nếu đã bị bệnh lý thanh quản thì mình chỉ nói được khoảng 7- 8 từ đã hết hơi rồi. Và nếu như chúng ta không để ý đến hơi thở thì chúng ta sẽ cố gắng nói từ cuối làm cho thanh quản bị gắng sức. Do đó, chúng tôi khuyên những người nói nhiều và bị hay bị bệnh khàn tiếng phải để ý đến việc hít thở và khi không còn hơi nữa thì mình phải hít thở tiếp, hít thở sâu trước khi nói”, BS Nguyễn Hoàng Huy hướng dẫn.
Bên cạnh đó, việc duy trì súc họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày cũng giúp làm sạch vùng họng, giảm nguy cơ viêm nhiễm và giảm khàn tiếng một cách hiệu quả.