Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được vận hành trên cả nước từ ngày 1.7.2025. Sự kiện này không chỉ là sự thay đổi về tổ chức bộ máy mà là một dấu mốc lịch sử phản ánh bước chuyển lớn trong tư duy quản trị nhà nước, mở ra kỳ vọng về một chính quyền tinh gọn, hiệu quả, thực sự gần dân, sát dân, vì dân và phục vụ người dân tốt hơn.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp thành phố, xã, phường, đặc khu diễn ra tại TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.
“Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trong bài phát biểu của mình.
Với PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng không giấu nổi niềm hân hoan, tự hào trong thời khắc lịch sử của dân tộc, lần đầu tiên mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, đất nước chính thức bước vào một trang mới trong lịch sử quản trị quốc gia, tổ chức lại toàn bộ thiết chế hành chính từ trung ương đến cơ sở để kiến tạo tương lai với khát vọng lớn, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Cũng như 100 triệu người dân Việt Nam, tôi hân hoan chào đón ngày 1.7.2025 ngày trọng đại của đất nước, sắp xếp lại giang sơn”, PGS.TS Vũ Văn Phúc chia sẻ về cảm xúc của mình.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng, việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ đơn thuần là một bước tiến về cải cách hành chính mà còn là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, bài bản và có tầm chiến lược, từ lý luận đến thức tiễn.
“Đây là thành quả trực tiếp của việc triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả”. Khẳng định điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu cho rằng đây chính là thể hiện quyết tâm chính trị trong cải cách thể chế, đổi mới quản trị nhà nước, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Chính quyền địa phương 2 cấp: Không chỉ là sự thay đổi mô hình hành chính
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trong thời gian đầu chắc chắn sẽ có nhiều thách thức về thể chế, năng lực cán bộ, hạ tầng số…Tuy nhiên nếu triển khai một cách nghiêm túc và đồng bộ, người dân hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một chính quyền địa phương hiệu quả hơn, thiết thực hơn trong phục vụ lợi ích cộng đồng. Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, với việc tinh gọn đầu mối, giảm tầng nấc trung gian, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ công cũng sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt.
“Khi chính quyền cấp xã, nơi gần dân nhất được trao thêm thẩm quyền và trách nhiệm, người dân sẽ được phục vụ ngay tại cơ sở, không phải đi lại nhiều, không bị chuyển lên đẩy xuống như trước”. PGS.TS Nguyễn Văn Sáu cho rằng đây chính là biểu hiện cụ thể của mô hình chính quyền phục vụ đang được hướng tới.

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng khẳng định chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là sự thay đổi mô hình hành chính mà sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy tổ chức quyền lực nhà nước, từ chính quyền quản lý hành chính sang chính quyền kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện phân cấp phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…Tuy nhiên, việc phân quyền phải đi đôi với kiểm soát quyền lực, cán bộ phải hành xử theo nguyên tắc “làm đúng, làm đủ, làm vì dân”. Cần đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng công vụ. Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng chuyên môn cần rèn luyện tư duy công vụ, văn hóa ứng xử và tinh thần trách nhiệm.
Đoàn kết - chìa khóa thành công của cuộc cải cách
Mới đây, Tổng bí thư Tô Lâm có bài viết "Sức mạnh của đoàn kết", Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức...điều đó đòi hỏi sự công minh, đồng thuận và quyết tâm chính trị rất cao và đặc biệt là sự hy sinh lợi ích cá nhân. Nếu thiếu đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, quá trình thực hiện sẽ rất dễ phát sinh vướng mắc, bất cập”. Do đó, Tổng bí thư khẳng định: “Đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của cải cách này”.
PGS.TS Nguyễn Văn Sáu cho rằng, tinh thần đoàn kết ở đây không chỉ là sự đồng thuận về mặt hình thức mà phải là sự chia sẻ trách nhiệm, thấu hiểu vai trò và hỗ trợ lẫn nhau trong thực thi nhiệm vụ. Với cấp tỉnh, nơi được phân quyền nhiều hơn, sự đoàn kết phải thể hiện ở khả năng phối hợp liên thông giữa các sở ban ngành, tránh tình trạng cục bộ, khép kín hay mạnh ai nấy.

Ở cấp xã, nơi gần dân nhất và cũng là nơi tiếp nhận phần lớn nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển về, sự đoàn kết cần được thể hiện ở cả người lãnh đạo lẫn cán bộ chuyên môn, với tinh thần “việc khó cùng làm”, lấy phục vụ nhân dân làm trung tâm. “Đoàn kết không chỉ là chìa khóa thành công” mà còn là chất keo kết dính toàn bộ hệ thống, giúp quá trình chuyển đổi thể chế được tiến hành một cách bền vững và có chiều sâu.
Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, đoàn kết sẽ dẫn đến thành công. Ngoài nhận định này, theo TS Vũ Văn Phúc, để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thực sự hiệu quả thì vai trò của con người trong bộ máy này rất quan trọng, đặc biệt đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Mọi mô hình dù ưu việt đến đâu cũng chỉ là công cụ thể chế, còn chìa khóa nằm ở con người vận hành nó, là tư duy đổi mới, là sự liêm chính, tận tụy của đội ngũ cán bộ trong bộ máy đó.