Ra đi bên nhau ở tuổi mười tám, đôi mươi, dù cuộc đời ngắn ngủi - nhưng đáng sống, họ đã cùng làm nên huyền thoại tuổi thanh xuân bất tử của chính mình. Đó cũng là thông điệp vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” mà tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn gửi đến thế hệ trẻ hôm nay. Chương trình kể câu chuyện về những đoá hoa bất tử, truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới thế hệ mai sau về tinh thần “sống một đời đáng sống”.

Sau 2 năm công diễn, “Huyền thoại tuổi thanh xuân” - vở diễn về 10 nữ thanh niên xung phong chiến đấu và hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc đã tạo nên sức hút ấn tượng về đề tài lịch sử.

Trong không gian không phải dành cho sân khấu (nơi đây vốn là một phòng hội trường), đạo diễn Lê Quý Dương đã mang đến cho người xem những cảm nhận khác biệt. Chương trình tái hiện hình ảnh tiểu đội Anh hùng của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã hi sinh dũng cảm, góp phần giữ vững tuyến giao thông huyết mạch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước khi tuổi đời mới độ mười tám, đôi mươi. Đạo diễn Lê Quý Dương mong muốn qua chương trình để nhắn nhủ tới các thế hệ nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay “hãy sống một cuộc đời đáng sống, có ích".

"Với chương trình này chúng tôi đưa ra một cách làm mới, nhìn nhận mới với một không gian trải nghiệm sân khấu cho khán giả. Khán giả đến với chương trình giống như là ngồi trực tiếp ở trên không gian thực cảnh của chiến trường Ngã ba Đồng Lộc năm xưa và với một thông điệp là “sống một đời đáng sống”.

Với mặt sàn khoảng 200m2, chưa bao giờ diễn viên và khán giả lại gần nhau đến thế, nhiều lúc chỉ cách nhau độ nửa mét, sự cảm nhận nhờ thế cũng chân thực như đang chứng kiến câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ. Bối cảnh không gian chiến trường khốc liệt, được tái hiện bằng công nghệ hình ảnh, hiệu ứng 3D với những hố bom, những căn hầm chữ A, con đường vượt qua trọng điểm, trận địa pháo và hình ảnh các đoàn xe chở hàng, chở quân ra trận. Mỗi nhân vật đều có điểm nhấn khắc hoạ tính cách tâm lý riêng, nhưng trong họ luôn có điểm chung là sự hồn nhiên, yêu đời, sống có lý tưởng và nét dịu dàng kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Cái khó của vở diễn là phải tìm ra được những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử đó. Điều này thể hiện khá rõ ở cảnh các cô "kê khai tài sản cá nhân" và bày tỏ ước vọng để lại nếu chẳng may không có ngày trở về. 10 cô gái đứng lên đọc kê khai cũng là lúc nước mắt khán giả trôi theo 10 câu chuyện để lại. "Tài sản" của các cô là chiếc lồng gà, chiếc lược, cuốn sổ, vạt tóc cho người yêu, hay chỉ là những mầm cây bồ kết với ước vọng để lại là mong có người tiếp tục chăm bón… Nó có lẽ khó được coi là tài sản nhưng lại vô giá về giá trị, đó là lý tưởng sống, là sự soi chiếu, thức tỉnh đến thái độ sống hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, điểm nhấn của chương trình là tái hiện câu chuyện lịch sử về những người con gái Việt Nam anh dũng, phơi phới tuổi thanh xuân cùng tinh thần chiến đấu quật cường được diễn ra tại không gian bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi có sự kết nối và trưng bày nhiều kỷ vật, hình ảnh về những đoá hoa nơi tuyến đầu trận địa sẽ mang đến một góc nhìn khác cho khán giả. Thông qua vở diễn muốn gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp về lòng biết ơn với thế hệ đi trước, để từ đó tác động đến thái độ sống, đòi hỏi thế hệ trẻ phải trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và đất nước.

"Thông điệp là sống một đời đáng sống. Sống sao, sống như thế nào để xứng đáng với cuộc đời này. “Huyền thoại Tuổi thanh xuân” truyền đến một tinh thần lạc quan và cũng rất kiên cường. Thể hiện được cái tinh thần mà Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.

Chương trình nghệ thuật trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại Tuổi thanh xuân” được công diễn thường xuyên cuối tuần tại sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.