Nhằm quảng bá hình ảnh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Phở Hà Nội”, đem tới những món phở đặc trưng của Thủ đô nói riêng và sự đa dạng về phở của các vùng miền trên cả nước nói chung, Festival Phở 2025 diễn ra từ ngày 18 đến 20/04/2025 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Tham gia Festival Phở 2025 có nhiều thương hiệu phở Hà Nội làm nên tên tuổi của ẩm thực Thủ đô: Phở Thìn Bờ Hồ, phở Tư Lùn, phở Hoàng Gia, hay từ các địa phương khác như: phở Vân Cù-Nam Định, ATISPHO-Đà Lạt, phở Ngô H’mong Hà Giang, phở chua ngọt Tuyên Quang...

Một món ăn dân dã gắn bó với người Việt từ lâu đời, hiện diện từ nông thôn tới thành thị và theo dấu chân người Việt xa quê đi khắp thế giới. Và cũng món ăn ấy, ngày nay, đã có những biến tấu dựa trên nguồn nguyên liệu đặc biệt của từng vùng miền, cho thấy sự sáng tạo của dân gian trong ẩm thực. Phở, vì thế cũng sẽ có nhiều câu chuyện hơn để kể.
Chị Trần Thị Hoài Khanh, đồng sáng lập thương hiệu ATISPHO với món phở Atiso đến từ Đà Lạt đã cho biết, món phở này xuất phát từ ý tưởng của Trường Minh- Giám đốc sáng tạo của thương hiệu ATISPHO. Lấy cảm hứng từ món canh Atiso hầm mẹ nấu cho ngày bé, chàng trai sinh ra và lớn lên tại thành phố ngàn hoa đã quyết định kết hợp hương vị đặc trưng của cây Atiso Đà Lạt với món phở truyền thống, tạo nên một món ăn hoàn toàn mới lạ. Cũng thịt bò và bánh phở, nhưng phở Atiso có màu hồng từ nước của cánh hoa, vị ngọt thanh của xương hầm và thân Atiso đã nhanh chóng nhận được sự yêu mến của thực khách.

Nếu phở Atiso Đà Lạt có màu hồng đặc trưng của hoa Atiso thì phở Ngô của đồng bào H'mong vùng cao nguyên đá Hà Giang có màu vàng vô cùng bắt mắt. Anh Hoàng Mạnh Cầm, đầu bếp khu nghỉ dưỡng H'mong Village, Quản Bạ, Hà Giang cho biết, ngô là lương thực chính của đồng bào dân tộc H'mong ở Hà Giang. Nét đặc trưng của phở ngô đó là cả nền văn hóa của dân tộc H'mong được đưa vào món ăn. Màu sắc là màu vàng tự nhiên của ngô núi đá. Bánh phở ngô được tráng tay như bánh phở truyền thống nhưng ngô có tính kết dính kém hơn gạo nên phải pha tỉ lệ ngô chín và ngô sống nhất định để có được bánh phở mềm, mỏng.
Phở ngô chỉ thích hợp ăn cùng thịt bò, mà bò phải nuôi thả rông ở địa phương, thịt chắc, dai và ngọt. Nước dùng được ninh từ xương bò và một số loại củ, quả của vùng cao nguyên đá Hà Giang, có vị thanh, ngọt, thơm hương quế, hồi, quyện với sợi phở màu vàng ươm. Sự kết hợp giữa cách nấu phở dưới miền xuôi với các nguyên liệu vùng cao nguyên đá đã giúp phở ngô Hà Giang lọt vào danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam năm 2022.
Sau khi tham quan không gian ẩm thực Festival Phở 2025, bà Xuân Thị Ngọc, phố Ngọc Khánh, Hà Nội quyết định chọn phở Ngô để thưởng thức. Bà cho biết, phở nước trong, đậm đà, sợi phở màu vàng ăn mềm, dẻo, đặc biệt nước dùng thơm mùi ngô và rau củ quả, khác với phở Hà Nội mình rất nhiều.

Không gian Phở đặc trưng chính là điểm nhấn quan trọng tại Festival Phở 2025 khi đưa thực khách vào một hành trình trải nghiệm hương vị phở đặc trưng của từng địa phương như: Tây Bắc, Nam Định, Hà Nội, miền Trung, miền Nam và Phở Quốc tế. Không chỉ là nơi tái hiện sự phong phú của phở trên dải đất Việt Nam, không gian này còn tôn vinh bản sắc địa phương, kỹ thuật chế biến và sự sáng tạo trong từng tô phở.

Ông Cồ Hữu Trương, một trong những dòng họ làm phở lâu đời tại làng Vân Cù, Nam Định cho hay, ông tham gia lễ hội với mong muốn quảng bá và giới thiệu tinh hoa ẩm thực Phở làng Vân Cù, Nam Định tới đông đảo người dân Thủ đô và du khách thập phương. "Hy vọng mọi người có thể cảm nhận tinh túy ẩm thực làng nghề của chúng tôi, để từ đó tiếp tục đưa làng nghề ngày càng phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng trực tiếp trình diễn và giúp du khách trải nghiệm quy trình nấu phở, làm bánh phở, chọn nguyên liệu và gia vị chế biến nước dùng…".

Ông Lã Quốc Khánh- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, Lễ hội phở là một sự kiện rất tuyệt vời, bởi ngoài quảng bá phở Việt, sự kiện còn là nơi để các đầu bếp, những người làm nghề giao lưu, học hỏi về món ăn truyền thống. Đặc biệt hơn cũng sẽ là một hoạt động trong đời sống của người Việt để có thể nâng tầm phở trở thành di sản UNESCO.
"Định hướng của phở Việt không chỉ lan tỏa trong nước mà còn ra cả thị trường quốc tế. Chúng ta cần thu hút mạng lưới các nhà hàng bán phở ở nước ngoài tham gia những ngày hội phở chứ không chỉ là hoạt động xúc tiến thông thường, có như thế, sức lan tỏa của phở mới rộng lớn được. Chúng ta có nhiều lợi thế về ẩm thực, có thể biến Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, nhưng để làm được điều này, điều quan trọng là cách tiếp cận để lan tỏa và được thế giới công nhận”, ông Lã Quốc Khánh nhấn mạnh.

Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội 2025 là việc ứng dụng công nghệ AI - Chatbot nhằm nâng cao trải nghiệm người tham dự, tối ưu quy trình tổ chức và hỗ trợ quảng bá sự kiện. Chatbot sẽ được bố trí tại quầy thông tin, hỗ trợ khách tra cứu gian hàng, tìm món phở phù hợp... Đây là lần đầu tiên công nghệ AI được ứng dụng trong một lễ hội ẩm thực tại Việt Nam.
Trong không gian Festival Phở 2025, bên cạnh những gian hàng phở đậm đà hương vị truyền thống, quầy Bia Mậu dịch mang đến trải nghiệm độc đáo, tái hiện nét văn hóa ẩm thực của Hà Nội xưa, nơi bát phở nóng hổi và cốc bia hơi mát lạnh từng là biểu tượng của những bữa ăn bình dân đầy dư vị. Hay Không gian trà sen Hà Nội tái hiện vẻ đẹp thanh tao của nghệ thuật thưởng trà Việt, mang đến cho du khách những giây phút thư thái giữa nhịp sống sôi động của lễ hội.