Theo thống kê sơ bộ, khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 6 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Đó là con số kỷ lục chưa từng có với du lịch nước nhà. Điều này cho thấy những tín hiệu vui về một sự bứt phá trong giai đoạn tiếp theo, nhất là năm nay, chúng ta chào đón hàng loạt sự kiện trọng đại của đất nước.
Tuy vậy, theo nhìn nhận từ các chuyên gia, cơ hội lớn song thách thức cũng không hề nhỏ. Chuyên gia Du lịch TS Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng việc lượng khách quốc tế tăng mạnh là động lực để ngành du lịch hướng tới mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách trong năm 2025. "Tuy nhiên, đi kèm cơ hội là nhiều thách thức đáng lưu ý như áp lực lên hạ tầng và dịch vụ du lịch; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; nguy cơ phát triển “nóng”, thiếu bền vững; cạnh tranh trong khu vực ngày càng khốc liệt...".

Khách quốc tế chưa bao giờ “lập đỉnh” như những tháng đầu năm nay, song thực tế cho thấy mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế hiện vẫn ở mức khiêm tốn (dưới 1 nghìn USD/lượt), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Singapore... Theo TS Nguyễn Thị Phương Nga, để “giữ chân” du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay lại Việt Nam nhiều lần thì ngoài kích cầu bằng sản phẩm mới, tăng chất lượng dịch vụ và giá trị trải nghiệm cho du khách, cần thúc đẩy du lịch xanh, phát triển sản phẩm chất lượng cao để nâng tầm du lịch Việt Nam và thu hút dòng khách chi trả cao.
“Cần phát triển sản phẩm du lịch có chiều sâu và cá nhân hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và chuẩn hóa nhân lực, cải thiện môi trường du lịch và hạ tầng, tăng cường quản trị điểm đến và truyền thông sau chuyến đi... Bên cạnh đó, cũng cần tăng mức chi tiêu bằng gắn kết du lịch - thương mại - văn hóa. Tóm lại để khách muốn quay lại, ngành du lịch Việt Nam không chỉ cần “làm đẹp mặt tiền” mà phải xây dựng nội lực từ sản phẩm, con người đến cách kết nối cảm xúc với du khách. Đó là con đường từ “đón khách” đến “giữ khách” một cách thông minh và bền vững”, TS Nguyễn Thị Phương Nga lưu ý.

Tăng trưởng số lượng khách chất lượng cao là yếu tố để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Chính vì thế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành, các địa phương về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Theo đó, “nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch”. TS Nguyễn Thị Phương Nga cho rằng, việc này, nếu được triển khai hiệu quả, sẽ tạo ra nhiều thuận tiện thiết thực cho du khách quốc tế đến Việt Nam.
"Thị thực linh hoạt giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch du lịch, đặc biệt với những người có thói quen đặt vé sát ngày hoặc du lịch tự túc. Việc nghiên cứu và triển khai chính sách thị thực thuận tiện và linh hoạt không chỉ là yếu tố kỹ thuật, mà là một đòn bẩy kinh tế chiến lược. Nó góp phần làm cho Việt Nam trở nên dễ tiếp cận hơn, thân thiện hơn trong mắt du khách quốc tế, qua đó tạo điều kiện thực hiện mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng khách, chất lượng chi tiêu và tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số như kỳ vọng của Chính phủ".

Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch cao cấp nhưng để mời gọi được lượng khách này đến đòi hỏi sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao. Đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, xây dựng sản phẩm khác biệt gắn với bản sắc văn hóa, thiên nhiên, con người Việt Nam.
Du lịch "lập đỉnh" trong những tháng đầu năm là tín hiệu vui để ngành du lịch sớm thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm nay. Tuy nhiên, số lượng phải đi liền với chất lượng. Bởi chỉ khi chất lượng các sản phẩm du lịch đáp ứng và tạo ấn tượng với du khách thì khi ấy mới có thể khiến họ mạnh tay chi tiêu, cũng như kéo họ quay trở lại. Đây là tiền đề để thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay như Công điện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.