Những điểm mới của Luật BHYT năm 2024 sửa đổi
Theo Luật BHYT sửa đổi, người dân được miễn cùng chi trả 100% BHYT sau 5 năm tham gia liên tục; người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh hiếm sẽ được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở chuyên sâu mà không bắt buộc phải chuyển tuyến theo thủ tục hành chính như trước; khám chữa bệnh tại nhà, từ xa đều được hưởng BHYT; ngoài ra, người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất cứ đâu tại nơi cư trú, tạm trú hay nơi đang đi công tác.
Một trong những điểm nổi bật của Luật BHYT lần này là mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Theo bà Nguyễn Thị Tám – Phó GĐ Bảo hiểm xã hội khu vực 1, với quy định mới, những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng 100% BHYT khi khám ở cơ sở y tế chuyên sâu, đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính để bảo đảm quyền lợi tối đa cho người bệnh.
“Trước đây, những người yếu thế, khi khám chữa bệnh hưởng mức BHYT dưới 15% của mức lương cơ sở, bây giờ theo luật BHYT sửa đổi, người bệnh được hưởng là mức tham chiếu chi trả tham gia BHYT 5 năm liên tục có mức cùng chi trả trên 6 lần mức tham chiếu. Những người ở xã đảo, huyện đảo, dân tộc thiểu số… khi khám chữa bệnh cấp chuyên sâu cũng hưởng 100% BHYT. Trong luật đưa thêm có điều khoản thuốc và trang thiết bị y tế, danh mục vật tư cho người bệnh không bị gián đoạn, đó là ưu việt của Nhà nước để người dân mở rộng quyền lợi, người nghèo, người yếu thế được tiếp cận từ tuyến cơ sở vẫn được hưởng 100% BHYT khi lên cơ sở y tế chuyên sâu” - bà Nguyễn Thị Tám cho biết.

Ý nghĩa nhân văn của Luật BHYT sửa đổi
Hình ảnh người bệnh phải bắt xe từ sáng sớm để đi khám bệnh, vừa tốn kém và vừa vất vả, lên đến bệnh viện thì phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ mới đến lượt là câu chuyện đã xảy ra bấy lâu nay, không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn là nỗi day dứt của người làm công tác y tế. Vì vậy, người dân, nhất là những người bệnh đều phấn khởi ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi được ban hành.
“Sau khi điều tri ung thư tuyến giáp xong, tôi cảm thấy tim có vấn đề, thường đau nhói xin BHYT lên BV tuyến trên không được nên tôi đành khám ngoài, không BHYT. Mỗi lần đi và về khám tốn kém, riêng tiền tàu xe đã mất gần 900.000 đồng, mà đều phải đi từ sáng sớm. Luật BHYT mới cho phép người bệnh hiểm nghèo như tôi vượt tuyến vẫn được BHYT chi trả 100% mừng quá. Như người bệnh chúng tôi sức khỏe yếu, nhà khó khăn lấy đâu ra tiền. Tôi đang muốn khám từ xa, đang hỏi bác sĩ cho đỡ phải đi lại, bây giờ nghe tin từ giờ khám bệnh từ xa cũng được hưởng BHYT nữa thì quá mừng” - bà Nguyễn Thị Xuân ở tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, từ nay, người khám bệnh tại nhà, hay khám bệnh từ xa cũng được hưởng BHYT, thông tin này giúp chị Lê Thị Hương ở Hải Phòng như trút được gánh nặng khi mỗi tháng chị đều phải thuê xe để chở người mẹ bị tai biến đi khám bệnh:
“Mỗi lần đưa bà đi khám bệnh vất vả lắm, nào là người bế, người cõng, thuê xe đi khám. Nhưng bây giờ mà được khám tại nhà cũng hưởng BHYT như báo chí đưa tin thì đỡ cho chúng tôi, đỡ vất vả” - chị Hương chia sẻ
Một trong những nội dung của Luật BHYT mới là xóa bỏ địa giới hành chính trong khám BHYT, người dân không còn phải lo lắng là làm sao được đúng tuyến và hưởng quyền lợi như trước đây nữa, thay vào đó người tham gia BHYT có thể khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế cùng cấp ở bất kỳ địa phương nào, nhưng để thuận tiện cho người dân khi đi khám thì các cơ sở y tế cần công bố việc xếp hạng trên các trang thông tin của cơ sở khám chữa bệnh. Theo BS Trần Liên Hương – Phó GĐ BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, đây vừa là thuận lợi song cũng đặt ra không ít thách thức cho bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
“Cùng với lộ trình tăng mức chi trả của BHYT thì đó cũng là cơ hội và thách thức đối với BV đa khoa Xanh pôn bởi vì người dân có thể lựa chọn cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe. Vì vậy các bệnh viện phải thay đổi chính mình. Bệnh viện Xanh Pôn phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, luôn cải tiến quy trình chữa bệnh mang lại sự hài lòng, tin tưởng cho người bệnh” - BS Trần Liên Hương nói.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, Những thay đổi của Luật BHYT sửa đổi không chỉ mở rộng quyền lợi khám BHYT cho người bệnh mà còn mang tính nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm chăm sóc sức khỏe công bằng trong nhân dân.
“Năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, BHYT khu vực 1 chi cho hơn 30 bệnh nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng/lần thanh toán, cá biệt có trường hợp 2,2 tỷ đồng. BHYT đó là vấn đề chia sẻ cộng đồng, đóng góp cho bệnh nhân nghèo với chi phí lớn, Luật BHYT mới mở rộng đối tượng tham gia như vậy tránh được nghèo hóa do bệnh tật, thứ hai tạo sự công bằng trong xã hội từ người nghèo, giàu đều đều tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc khỏe. Khi chăm sóc sức khỏe tốt hơn thì an tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế” - Ông Nguyễn Đình Hưng nhận định.
Hiện cả nước đã có 95,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 94,2% dân số. Với những nỗ lực thay đổi hiện nay, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân trong tương lai không xa.