Theo PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, Giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội, hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể không hấp thu thật sự và tối đa các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Tình trạng này có thể là hậu quả của rất nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau.
Đầu tiên phải kể đến các bệnh lý tại chính đường tiêu hóa như là viêm ruột mãn tính. Hoặc bệnh nhân không dung nạp được một số thành phần trong thức ăn, ví dụ những trường hợp không dung nạp lactose trong sữa hoặc bệnh nhân bị bệnh không dung nạp gluten – thành phần có trong một số thực phẩm như: lúa mì, các loại đậu, ngũ cốc. Một số bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng gây viêm đường tiêu hóa cũng dẫn đến tình trạng kém hấp thu.
Bên cạnh đó, nhóm bệnh liên quan đến mật tụy, đặc biệt là những bệnh nhân sau phẫu thuật vùng mật tụy, bệnh nhân viêm tụy mạn, tiểu đường…cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng kém hấp thu.
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng cũng đề cập một nguyên nhân khá thường gặp hiện nay là nhiều người thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem quá mức, ăn kiêng gián đoạn trong thời gian dài. Đến khi quay trở lại chế độ ăn uống bình thường thì cơ thể không còn thích nghi đối với các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm và dẫn đến rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu.

Kém hấp thu dẫn đến sự thiếu hụt của các vitamin, protein, khoáng chất…khiến sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng đến năng suất lao động và học tập. Do đó, khi có các biểu hiện ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên đi khám sớm để được bác sĩ tìm ra nguyên nhân và tư vấn biện pháp điều trị. Cùng với đó, bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý hơn nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
“Đối với những bệnh nhân có hội chứng kém hấp thu, nếu một bữa ăn mà có quá nhiều đạm hoặc quá nhiều dầu mỡ thì thường sẽ không tiêu hóa được hết. Vì vậy, khi lựa chọn và chế biến thức ăn nên giảm hàm lượng chất béo xuống so với bình thường. Tuy nhiên, người bệnh không nên kiêng chất béo hoàn toàn bởi đây là nhóm chất quan trọng để giúp hòa tan các vitamin quan trọng đối với có thể như vitamin A, D, K… Chúng ta cũng nên cố gắng ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước. Nếu như biết là có một số thực phẩm mà cứ ăn vào là bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thì nên chủ động tránh các loại thức ăn đó”- PGS.TS Đào Việt Hằng hướng dẫn.
Đồng thời, để giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng, PGS.TS Đào Việt Hằng khuyên người bệnh nên chú ý thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý, giảm căng thẳng, stress, không nên uống bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục thể thao đều đặn.
Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng các loại men tiêu hóa mà nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. Bởi men tiêu hóa có rất nhiều loại, cách dùng khác nhau. Với từng loại bệnh, bác sĩ lựa chọn cho bệnh nhân loại phù hợp nhất. Nếu người bệnh tự mua và sử dụng men tiêu hóa trong thời gian dài sẽ gây tác dụng ngược, làm các cơ quan tiêu hóa giảm tiết dịch tiêu hóa và mất chức năng.