10 năm qua, để duy trì sự sống, tuần 3 buổi chị Lâm Thị Hợi đều phải dậy sớm để đón xe khách từ xã Lương Sơn về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để chạy thận. Quãng đường đi-về trong ngày hơn 140km khiến những người bệnh như chị nhiều khi kiệt sức. Đó là chưa kể đến chi phí đi lại mỗi ngày.

Năm ngoái, khi biết thông tin Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên khai trương triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, chị mừng lắm vì từ nay vừa được điều trị gần nhà, vừa đỡ tốn kém vài trăm nghìn đồng tiền đi lại mỗi tuần.

"Ở đây đi lại dễ. Ngày phải chạy thận chồng chở xe máy ra bệnh viện. Chạy xong không mệt cũng không hay ốm, trước đi chạy ở xa hay ốm lắm, tháng phải nằm viện 2 lần, về đây chưa nằm viện lần nào..." - chị Hợi kể.

Bệnh nhân Hứa Văn Học ở xã Sơn Thượng cũng vậy. 6 năm nay, cứ cách ngày anh lại đi hơn trăm cây số về bệnh viện tỉnh để chạy thận. Đầu năm 2024, anh Học được chuyển về BV Đa khoa huyện Bảo Yên để tiếp tục điều trị, cách nhà có 4km. So với quãng đường hơn trăm cây số trước kia thì việc điều trị bây giờ đỡ vất vả hơn rất nhiều."Trước đây đi lại tốn bao nhiêu tiền ô tô, nhà làm nương, vợ đi làm thuê bán gà lấy tiền, nếu không có tiền là phải đi vay. Ở đây không phải đi ô tô nữa, chỉ cần đi xe máy thôi, đi lại không mệt nữa, yên tâm lắm...".

Bác sĩ Nguyễn Xuân Vỹ, Phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cho biết, trước nhu cầu được lọc máu chạy thận của bệnh nhân trên địa bàn ngày càng tăng cao, từ năm 2023, bệnh viện đã cử một kíp bao gồm điều dưỡng, kỹ thuật viên và bác sĩ xuống Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai để đào tạo, học tập kỹ thuật.

Sau 6 tháng đào tạo, tháng 12/2023, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo và bắt đầu triển khai điều trị lọc máu cho bệnh nhân. Hiện đơn nguyên thận nhân tạo có 8 máy chạy thận và hệ thống lọc RO đảm bảo tiêu chuẩn và đang điều trị lọc máu cho 19 bệnh nhân bị suy thận:

"Bệnh nhân chạy thận ở đây chủ yếu là người ở huyện, trước khi chạy ở đây họ phải lên tỉnh tuần 3 buổi, vừa mệt mỏi, vừa tốn kém, về đây họ vẫn phụ được gia đình làm việc..." - Bác sĩ Vỹ cho biết.

Cũng theo bác sĩ Vỹ, việc thực hiện thành công kỹ thuật lọc máu không chỉ giúp những bệnh nhân bị suy thận được điều trị gần nhà mà còn giúp bệnh viện xử trí được các ca cấp cứu do ngộ độc hoặc những trường hợp bị suy thận cấp. Anh chia sẻ: "Trước đây không có hệ thống lọc máu nhân tạo để điều trị cấp cứu phải chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh rất khó cho bệnh nhân, nhiều người không muốn đi. Bây giờ bệnh viện làm được thêm thủ thuật quan trọng có thể hỗ trợ cho việc cấp cứu bệnh nhân, đã cấp cứu được 4-5 trường hợp rồi...".

Với 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc triển khai thành công kỹ thuật lọc máu ở một bệnh viện tuyến huyện như Bảo Yên, không chỉ giúp bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.