Theo số liệu của Bộ Y tế, tại nước ta, số người thừa cân béo phì đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Một thống kê năm 2021 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Trong cuộc chiến giảm cân, nhiều người vẫn loay hoay, tự tìm cách kiểm soát cân nặng theo các hướng dẫn trên mạng xã hội mà chưa đi thăm khám để được hướng dẫn điều trị một cách khoa học. Không ít trường hợp tự tìm đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng để giảm cân và dẫn đến “tiến mất, tật mang”. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, thậm chí tổn thương não, suy thận, nguy kịch đến tính mạng vì mua và uống thuốc giảm cân bán trôi nổi trên mạng xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, việc người bệnh tự tìm cách giảm cân như hiện nay rất khó để đạt được mục tiêu kiểm soát trọng lượng, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ rơi vào trạng thái tăng cân trở lại. Bởi béo phì là một bệnh lý mạn tính phức tạp với nhiều biến chứng nguy hiểm. Người béo phì cần được điều trị một cách chuyên sâu từ sớm và cần có sự phối hợp đa chuyên khoa như nội tiết, dinh dưỡng – tiết chế, phục hồi chức năng, tâm lý, can thiệp ngoại khoa…chứ không đơn giản chỉ dựa vào chế độ ăn uống và luyện tập.

Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Thừa cân, béo phì có liên quan đến hơn 200 bệnh lý khác nhau, trong đó có những căn bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, ung thư, hội chứng buồng trứng đa nang, ngưng thở khi ngủ… Nếu như kiểm soát, ngăn chặn được sự gia tăng số người thừa cân béo phì trong cộng đồng thì chúng ta sẽ không phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ các biến chứng của căn bệnh này.

Năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì với các biện pháp phòng ngừa và điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý, thuốc và phẫu thuật.

Tuy nhiên, trong thực tế, người dân, thậm chí một số cán bộ, nhân viên y tế cũng chưa cho rằng béo phì là một bệnh cũng như chưa ý thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh.

Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh béo phì cũng như việc phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị béo phì tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế chưa được quan tâm đúng mức. Chưa kể hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan những quảng cáo về các loại thuốc, các phương pháp điều trị thừa cân béo phì và dẫn đến những tai biến đáng tiếc, thậm chí tử vong do người bệnh dùng thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc, hoặc một số sản phẩm giảm béo không rõ cơ chế, thành phần.

“Điều trị thừa cân béo phì là một điều trị hết sức chuyên sâu. Phần lớn thuốc điều trị thừa cân, béo phì đều có thể gây ra những tai biến rất nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn. Điều trị căn bệnh này cần phối hợp nhiều chuyên khoa. Trước hết chúng ta dựa vào can thiệp dinh dưỡng, giảm năng lượng nạp vào và hướng dẫn bệnh nhân tăng cường vận động thể lực. Việc điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp như phẫu thuật sẽ được cân nhắc nếu như can thiệp lối sống không giúp giảm được cân nặng. Do thừa cân béo phì dẫn đến rất nhiều biến chứng nên đồng thời chúng ta cũng phải phối hợp với với các chuyên khoa khác để điều trị những biến chứng của căn bệnh này” - GS.TS Trần Hữu Dàng cho biết.

Theo quan điểm của GS.TS Trần Hữu Dàng, không nên để xảy ra thừa cân, béo phì rồi mới tìm cách giảm cân và điều trị biến chứng của bệnh. Phòng bệnh vẫn là biện pháp tối ưu và tiên tiến nhất.

“Để phòng bệnh béo phì, điều đầu tiên là nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người nhận thức được đây là một căn bệnh mạn tính nguy hiểm. Tôi cho rằng, đây không phải là việc riêng của ngành y tế mà cần có sự chung tay của tất cả mọi người dân trong cộng đồng cũng như các ban ngành, đoàn thể trong xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể, các nhà trường nên có những chương trình tư vấn, hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa thừa cân béo phì. Chúng ta đã có Hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị thừa cân béo phì của Bộ Y tế một cách rất bài bản. Nội dung của hướng dẫn này cần được phổ biến rộng rãi tới nhân viên y tế cũng như được áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh”- GS.TS Trần Hữu Dàng đề xuất.

Đồng thời, vị chuyên gia về nội tiết cũng nhấn mạnh, trong việc phòng ngừa bệnh béo phì thì ý thức của mỗi cá nhân vô cùng quan trọng.

“Mỗi người hãy chủ động kiểm soát cân nặng của bản thân bằng cách tiết chế ăn uống, tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Nữ giới không nên để vòng bụng vượt quá 80cm. Còn nam giới thì vòng bụng không vượt quá 90cm. Khi xảy ra tình trạng thừa cân béo phì thì nên đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế chính thống để được tư vấn, hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như phối hợp các biện pháp khác nhằm giảm cân an toàn và hiệu quả” – GS.TS Trần Hữu Dàng đưa ra lời khuyên.

.