Chiều 17/4, trong buổi làm việc với 1 số cơ quan báo chí, ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, các sản phẩm thuốc giả vừa được cơ quan công an thu giữ không có trong hệ thống các bệnh viện công lập, do không có đủ giấy tờ, chủ yếu được bán trên mạng hoặc bán lẻ ở một số nhà thuốc.
Cũng theo ông Hùng, trong số 21 loại “thuốc”, “thuốc chữa xương khớp” giả đã được cơ quan công an bắt giữ có 4 loại là giả các thuốc đã được cấp phép lưu hành (44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion). Các loại còn lại là sản phẩm do các đối tượng tự đặt tên, không có các sản phẩm thuốc nào tương tự đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

Thông tin về công tác quản lý chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế.
Cụ thể, trong thời gian qua Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiền kiểm, hậu kiểm trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc.
Hàng năm, 3 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Công và Bộ Công thương đều tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Về quy trình lấy mẫu, theo đại diện Cục Quản lý dược, hàng năm Viện kiểm nghiệm thuốc TW và TP HCM căn cứ vào tình hình thực tiễn về vi phạm chất lượng thuốc để lập kế hoạch lấy mẫu, tập trung vào nhóm những thuốc có nguy cơ cao bị làm giả, các thuốc có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc có khả năng bị biến đổi chất lượng trong quá trình lưu thông trên thị trường, sau đó các trung tâm kiểm nghiệm sẽ phối hợp với viện kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu.
"Theo báo cáo 1 năm lấy khoảng 38-40 nghìn mẫu thuốc lưu hành trên thị trường để giám sát chất lượng. Trong số này tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng chỉ dưới 1%, còn tỷ lệ thuốc giả những năm gần đây đều ở dưới ngưỡng 0,1%" - ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nói.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã khảo sát và cho rằng, tỉ lệ thuốc giả đang lưu hành tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam khoảng 10%.
Sự chênh lệch khá lớn về mặt số liệu như hiện nay, cùng với vụ việc triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả mà Công an tỉnh Thanh Hóa vừa công bố, khiến dư luận có quyền đặt nghi vấn về công tác quản lý, giám sát, đấu tranh phòng chống thuốc giả của các cơ quản quản lý trong thời gian qua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, khó khăn nào khiến việc kiểm soát thuốc giả chưa hiệu quả, ông Hùng thừa nhận:"nguồn lực cho các trung tâm kiểm nghiệm còn hạn chế và cần có sự phối hợp các bộ ngành mới đạt hiệu quả".