Nhiều người cao tuổi, người già hay người bị mắc bệnh hiểm nghèo thường hay nói trước khi « nhắm mắt xuôi tay hoặc sang thé giới bên kia » sẽ lập chúc thư hay di chúc để chuyển giao tài sản cho các con, nếu có sang thế giới bên kia cũng yên lòng.

Theo quy định tại điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS), di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, việc lập di chúc là một quyền của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, giúp người lập di chúc chủ động sắp xếp, phân chia di sản, đồng thời tránh hoặc hạn chế được những tranh chấp về tài sản không mong muốn xảy ra khi mình qua đời.

Luật sư Nguyễn Văn Nam, Cty Luật Hồng Bách và cộng sự cho biết, theo quy định tại khoản 4 điều 626 BLDS, người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Nghĩa vụ ở đây có thể là công việc người thừa kế phải làm hoặc không được làm nhưng nghĩa vụ tồn tại dưới hình thức nào đều phải đảm bảo nguyên tắc việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, phù hợp với thuần phong mỹ, tục của dân tộc. Do đó, người lập di chúc có quyền đưa nghĩa vụ chỉ định/yêu cầu những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả các khoản nợ và các nghĩa vụ khác là phù hợp với quy định pháp luật.

Đối với nghĩa vụ do người chết để lại, pháp luật thừa kế cho phép những người thừa kế được phép thoả thuận với nhau và đảm bảo nguyên tắc chỉ chịu trách nhiệm về phần nghĩa vụ này tương ứng với số di sản mà mình nhận được thay vì chia đều số nợ cho các đồng thừa kế. Trong trường hợp di chúc quy định phần nghĩa vụ tài sản lớn hơn phần di sản thừa kế mà người thừa kế được nhận thì họ không có nghĩa vụ thực hiện, phần di chúc đó sẽ bị vô hiệu, trừ trường hợp người thừa kế đồng ý thực hiện phần nghĩa vụ vượt quá phạm vi di sản người chết để lại. Luật sư Nguyễn Văn Nam phân tích, quy định này đã góp phần đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho tất cả những người thừa kế, tránh những xung đột, tranh chấp không đáng có xảy ra.

Khi người vay tiền chết, những người thừa kế di sản của người vay tiền có nghĩa vụ trả khoản vay này theo phần di sản mà họ được nhận hoặc có thể thực hiện nghĩa vụ vượt quá phần di sản được nhận. Trong trường hợp người thừa kế và chủ nợ không thể giải quyết được tranh chấp, tức là quyền sở hữu của người chủ nợ bị xâm phạm, căn cứ theo điều 164 BLDS chủ nợ hoàn toàn có thể khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc các thừa kế trả nợ cho mình.

Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật, chủ nợ có thể khởi kiện tất cả những đồng thừa kế để trả nợ cho mình. Trường hợp thừa kế theo di chúc, bị đơn lúc này được xác định là những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và những trường hợp được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc.

Việc khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ phải đảm bảo về thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 623 BLDS 2015, tức là không vượt quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế được xác định là thời điểm người có tài sản chết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 611 BLDS 2015.