AI không thay thế được con người nhưng cần trở thành kỹ năng bắt buộc
Là học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Yên số 1, Bắc Giang, Thân Mạnh Dũng tỏ ra lo lắng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường đại học. Sự băn khoăn của Dũng xuất phát từ thực tế công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang “xâm lấn” vào nhiều lĩnh vực. Bản thân những sinh viên tốt nghiệp ĐH tốp đầu vẫn phải rất chật vật để tìm việc làm.
“Nhiều ý kiến cho rằng AI sẽ tác động theo hướng cả tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt là các ngành liên quan đến sáng tạo. Vậy, đâu là những ngành sẽ phát triển trong tương lai và những ngành nào sẽ lỗi thời và bị thay thế?”, Dũng mạnh dạn chia sẻ băn khoăn này tới các chuyên gia trong ngày hội tư vấn tuyển sinh.
Chia sẻ trước mối bận tâm này, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa khẳng định rằng đây không chỉ là nỗi lo của người học mà còn của những người xây dựng chương trình đào tạo. AI là xu thế tất yếu, nếu chương trình đào tạo không theo kịp thì sinh viên tốt nghiệp có thể không tìm được việc làm.
"Tôi lấy ví dụ 5 năm nữa, khi đi phỏng vấn xin việc mà không có kiến thức về AI, khoa học dữ liệu chắc chắn không xin được việc. Giống như internet cách đây mấy chục năm, sử dụng thành thạo AI có thể trở thành kỹ năng bắt buộc như sử dụng Word, Office, Exel...".
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, lĩnh vực báo chí – truyền thông cũng đang bị tác động bởi dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo. Bà Hương nêu ra khái niệm "nhà báo robot" có thể xử lý thông tin nhanh và lan tỏa thông tin trên một nền tảng rộng.

Tuy nhiên, công nghệ phát triển cũng tạo ra đầy rẫy những tin tức giả mạo, sai lệch. Vì vậy, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế nhà báo bởi họ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng thông tin, sáng tạo, khám phá những góc nhìn mới để tạo ra những tác phẩm báo chí có sức lay động, phục vụ được cộng đồng với những góc nhìn nhân văn, chân thực nhất, chính xác, định hướng công chúng tới những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Các trường điều chỉnh chương trình trước thách thức mang tên AI
Dù vậy, không thể phủ nhận việc trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi diện mạo ngành báo chí – truyền thông trong nước và quốc tế, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương khẳng định, nhà trường đang có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo. Bên cạnh những học phần truyền thống về kỹ năng, nghiệp vụ, đạo đức báo chí, nhà trường đưa vào kỹ năng sử dụng AI, phân tích dữ liệu công nghệ thực tế, thực tế ảo tăng cường...để khai thác AI, phục vụ cho công việc.
PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, việc đào tạo ngôn ngữ hiện nay không chỉ thuần túy là học để nghe, nói, đọc, viết cho tốt. Thay vào đó, việc trang bị ngôn ngữ gắn liền với định hướng nghề nghiệp, kiến thức chuyên ngành cụ thể. Sinh viên ngành ngôn ngữ hiện nay có thể làm việc trong 6 lĩnh vực ngành nghề: giáo viên, du lịch, truyền thông, thương mại và đối ngoại. Với sự thay đổi này, cơ hội việc làm trong ngành ngôn ngữ không mất đi mà ngược lại còn gia tăng.
Đơn cử như nghề phiên dịch, hiện giờ AI dịch khá tốt. Tuy nhiên, khách nước ngoài không thích làm việc với AI mà giao tiếp với con người cụ thể. Phiên dịch trong quá trình làm việc với khách nước ngoài có thể giới thiệu văn hóa, phong tục truyền thống của Việt Nam. Điều đó cho thấy, có nhiều thứ thuộc về giao tiếp của con người mà AI không thể thay thế được. “Vì vậy, nghề của chúng ta vẫn cứ tồn tại. Chỉ có điều, chúng ta có biết dùng AI để tăng cường năng suất lao động của mình hay không?”, cô Phương nói.

Ở khối ngành kinh tế, ThS Phạm Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Trường ĐH Ngoại Thương khẳng định, AI sẽ thay thế con người trong những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, giúp nhập liệu, phân tích dữ liệu chính xác, thậm chí là đọc văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng. Vì vậy, nhà trường phải cung cấp cho sinh viên nền tảng tư duy mới để làm chủ công nghệ.
Tại Trường ĐH Ngoại thương, ngay từ năm thứ nhất sinh viên được trang bị các môn học liên quan, ví dụ đến tư duy thiết kế. Bây giờ không chỉ là chúng ta đi đáp ứng nhu cầu của xã hội nữa, mà chúng ta phải đặt ra bài toán, đi tìm câu trả lời để để giải đáp những cái vấn đề của xã hội.
Cô Hà tin rằng, các trường đều có cách tiếp cận mới khi xây dựng, phát triển, rà soát các cái chương trình đào tạo đáp ứng được cái nhu cầu của xã hội. Cùng với đó, sinh viên cũng phải được trang bị kỹ năng học tập suốt đời. Đây là kỹ năng quan trọng trước bất kỳ thay đổi nào của nghề nghiệp./..