Vượt qua biến cố cuộc đời, ông Nguyễn Kim Khôi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thấu hiểu tâm tư, khát vọng của người khuyết tật. Cũng từ đây, ông dành nhiều tâm sức cho những người cùng cảnh.
Tự đứng lên sau biến cố
Đã nhiều năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Kim Khôi vẫn không thể nào quên cái ngày định mệnh khiến cuộc sống diễn ra không theo những gì đã dự tính. Ông cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, với nhiều hoài bão và niềm yêu thích các loại máy móc, ông vào học Trường Công nhân kỹ thuật cơ khí 1 Hà Nội. Ra trường, ông làm kỹ thuật điều chỉnh máy thêu tại Xí nghiệp Sản xuất máy khâu Thăng Long. Là người có trình độ và năng lực, ông được lãnh đạo công ty tin tưởng giao đảm nhận vai trò tổ trưởng bảo trì, tổ trưởng kỹ thuật, phụ trách nhiều phần việc liên quan đến tư vấn dây chuyền sản xuất, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, bảo hành máy, đồng thời dạy nghề may sơ cấp, an toàn lao động khi sử dụng máy may. Tuy nhiên, khi tương lai đang rộng mở, tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến thì ông gặp biến cố khiến cuộc đời bước sang một ngã rẽ. “Năm 2004, trong một chuyến vào miền Nam công tác, tôi bị tai nạn giao thông, sức khỏe bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Khôi kể.

Là người năng động, hoạt bát bỗng chốc mất đi phần dưới của chân trái và nửa bàn chân phải, ông Khôi đã bị sốc về tinh thần. “Với thương tật rất nặng của đôi chân, ban đầu tôi không thể đứng lên vì đứng và giữ thằng rất khó. Tôi phải ôm cột mới đứng lên được nhưng máu dồn xuống chân nên rất đau nhức. Cũng vì tình trạng sức khỏe như thế nên vợ chồng tôi chia tay, một mình nuôi con gái. Cảm giác khi đó rất hụt hẫng”, ông Khôi chia sẻ.
Chỉ còn nửa bàn chân trái, ông Khôi phải dồn hết tâm sức, khổ luyện mới có thể tự đứng vững. Sau những bước tập tễnh tập đi, ông bắt đầu nhóm lại ước mơ thuở nào. “Sau vài tháng bi quan, tôi nghĩ mình phải tự cứu lấy mình để còn lo con gái. Với hiểu biết sẵn có về nghề may và sửa chữa máy may công nghiệp, tôi nghĩ mình cần phát huy những gì là thế mạnh của mình”, ông Khôi chia sẻ.
Làm điểm tựa cho người khuyết tật
Hơn ai hết, ông Khôi thấu hiểu tâm tư và khát vọng của những người cùng cảnh. Để tự cứu lấy mình, đồng thời hỗ trợ cho cho người khuyết tật, ông mạnh dạn vay vốn, thành lập Công ty TNHH Xã hội 3/12 với hoạt động chính là dạy nghề may cờ và sản xuất cờ. “Phố Hàng Bông là nơi chuyên bán các loại cờ. Tôi lên đó tìm hiểu, người ta bảo tôi may cờ rất khó, không phải ai cũng may được. Người ta còn thách tôi may đẹp nên tôi càng quyết tâm phải làm cho bằng được như một cách để chứng minh khả năng của mình”, ông Khôi kể.

Sau khi thành lập công ty, ông Khôi tạo dựng xưởng may và tuyển dụng học viên. Là “ông chủ” nhưng ông vẫn trực tiếp làm công việc của một thợ may để tạo ra sản phẩm, đồng thời làm thầy để “cầm tay chỉ việc” cho học viên và lo đầu ra cho sản phẩm để duy trì xưởng may.
Cứ như thế, gần 20 năm nay, Công ty TNHH Xã hội 3/12 trở thành điểm tựa cho nhiều người khuyết tật. “Trước đây, tôi từng dạy nghề và nhận người bình thường vào làm. Tuy nhiên, sau một thời gian tôi thấy họ kỳ thị người khuyết tật, thậm chí còn bắt nạt. Từ đó, tôi chỉ chỉ nhận dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật”, ông Khôi cho biết.
Gắn bó với Công ty TNHH Xã hội 3/12 gần 8 năm nay tại phố Kẻ Vẽ, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chị Phạm Thu Huyền cho biết từng gặp biến cố như ông Nguyễn Kim Khôi. “Khi em đang là sinh viên năm thứ 2 của Học viện ngân hàng Hà Nội thì tai nạn ập xuống. Sau 3 tháng hôn mê sâu và không có dấu hiệu hồi tỉnh, em bị bệnh viện trả về. “Bố kể rằng các bác sỹ bảo gia đình đưa em về và tính đến chuyện lo hậu sự vì họ không còn hy vọng gì nữa”, chị Huyền chia sẻ.
Nhưng như có một “phép màu nhiệm”, chị Huyền vượt qua “cửa tử”, phục hồi một cách thần kỳ. Dẫu vậy, khi tỉnh và có thể nhận thức được thế giới xung quanh, chị luôn có cảm giác là gánh nặng của gia đình.
Cuộc sống sẽ lặng lẽ trôi qua với tâm trạng nặng nề như thế nếu chị Huyền không được người quen giới thiệu Công ty TNHH Xã hội 3/12 - xưởng may các loại cờ của ông Nguyễn Kim Khôi trên địa bàn. “Em từng đi học nhiều nơi, đủ các thứ nghề, trong đó có cả nghề may. Tới đâu em cũng chỉ học được vài ngày rồi bỏ vì em cảm thấy mình không đủ sức khỏe và khả năng. Nhưng khi tới xưởng may của chú Khôi, nhờ sự ân cần, kiên nhẫn cùng những lời động viên kịp thời, em thấy yêu thích công việc nên luôn cố gắng học hỏi”, chị Huyền kể.
Chỉ sau vài tháng theo học, chị Huyền đã có thể làm ra những sản phẩm đơn giản và có thu nhập. Như được khích lệ, chị dồn hết tâm sức vào công việc. Đến nay, sau 8 năm gắn bó, chị đã có thu nhập ổn định, sức khỏe được cải thiện, nhất là chức năng của đôi tay và đời sống tinh thần. “Trước đây, cánh tay trái của em rất yếu, không làm được gì. Chú Khôi hướng dẫn em thao tác máy may bằng cả hai tay. Nhờ vậy mà tay trái của em đã linh hoạt hơn”, chị Huyền cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, từ khi đến học và làm việc tại xưởng may, cuộc sống của chị Huyền còn như sang một trang mới. “Bây giờ em yêu cuộc sống hơn bao giờ hết. Tới xưởng may làm, em có thu nhập và được giao lưu với bạn bè. Em còn có bạn trai ở đây nữa”, chị Huyền thổ lộ.

Tương tự, từ khi học nghề và làm việc tại Công ty TNHH Xã hội 3/12, chị Nguyễn Thị Minh cũng như trút được gáng nặng tâm lý là “kẻ vô dụng”. Bởi trước đó, với tình trạng một bên tay co quắp, thần kinh không ổn định, chị không biết làm gì để tạo ra thu nhập, tự nuôi sống bản thân. “Hồi nhỏ, khi ở nhà với bà, em bị sốt cao mà bà không biết để đưa đi cấp cứu kịp thời nên em bị biến chứng. Khi bố mẹ đi làm về và đưa em tới bệnh viện thì đã muộn, họ bảo em đã bị teo một bên não. Đến giờ, thỉnh thoảng em vẫn bị lên cơn co giật, chân tay co quắp và đau đầu”, chị Minh kể.
Có việc làm và thu nhập ổn định, những năm qua, chị Minh tự chủ hoàn toàn trong cuộc sống. Chị cho biết, thay đổi tích cực ấy là nhờ sự hỗ trợ và khích lệ từ người thầy - ông Nguyễn Kim Khôi, Giám đốc công ty TNHH Xã hội 3/12. “Chú Khôi là người động viên và hỗ trợ em. Làm việc tại đây, ngoài thu nhập, em còn nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ những người đồng tật nên xưởng may giống như ngôi nhà thứ hai của em”, chị Minh chia sẻ.

Tại công ty TNHH Xã hội 3/12, nhiều người đồng tật, cùng cảnh ngộ với chị Minh, chị Huyền cũng vươn lên, thay đổi cuộc sống. Khi nhìn lại, tất cả đều coi nơi đây là điểm tựa với sự biết ơn đối với ông Nguyễn Kim Khôi - người đã dạy nghề và tạo việc làm cho mình. “Thầy Khôi tốt tính và nhiệt tình. Em nghĩ cuộc sống của em được như ngày hôm nay là nhờ công ơn dạy bảo, uốn nắn và hỗ trợ của thầy”, Lê Phương Linh - người đã gắn bó với xưởng may của ông Khôi hơn 8 năm nay, chia sẻ.
Trăn trở không phải cho riêng mình
Dạy nghề cho người khuyết tật rất khó. Theo ông Khôi, đó là lý do khiến nhiều công ty không mặn mà với việc tiếp nhận học viên là người khuyết tật. Bản thân người khuyết tật cũng dễ mặc cảm, nản lòng vì không được cảm thông, khích lệ. “Nếu không xuất phát từ cái tâm và sự đồng cảm, việc dạy và học sẽ thất bại. Thực tế tại xưởng may của tôi, tình trạng sức khỏe và dạng tật của các học viên đều khác nhau. Khi dạy, tôi cũng tùy vào khả năng vận động và nhận thức của mỗi người để có cách hướng dẫn và quy trình dạy riêng cho từng người. Thậm chí, tôi còn điều chỉnh cả máy may cho phù hợp với khả năng vận động mỗi người”, ông Khôi cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, để khích lệ về tinh thần, ông Khôi còn luôn dành những lời động viên cho từng nỗ lực của học viên. Thậm chí, ông còn tác động đến người thân để họ cùng hỗ trợ học viên vươn lên. “Có những học viên, dù chưa làm tốt nhưng tôi vẫn tăng lương để họ vui và nỗ lực hơn. Bố mẹ các học viên cũng có thêm niềm tin rằng con mình sẽ tiến bộ và làm được việc”, ông Khôi cho biết.
Cứ như vậy, bằng cách này, ông Khôi đã giúp cho nhiều người có nghề, việc làm và thu nhập để làm chủ cuộc sống. Ông Khôi chia sẻ, đó là điều khiến ông hài lòng nhất. “Trong khi nhiều người lành lặn còn thất nghiệp thì những người khuyết tật đến với tôi vẫn có việc làm ổn định. Tôi rất hạnh phúc và tự hào về điều này”, ông Khôi thổ lộ.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khiến ông trăn trởL “Hiện nay, tôi đang phải nhờ nhà thờ của dòng họ Phạm để làm nhà xưởng. Không gian hạn hẹp, tôi chỉ đặt được một số máy. Tôi vẫn còn một số máy nữa, vì thiếu không gian nên phải tháo ra, xếp gọn lại”.
Ông Khôi cho biết, thời gian qua nhiều người khuyết tật đến công ty TNHH Xã hội 3/12 xin học nghề và bày tỏ nguyện vọng được nhận vào làm việc nhưng vì thiếu mặt bằng nên công ty đành phải từ chối. Qua tìm hiểu, ông thấy một số cơ sở trên địa bàn phường do nhà nước quản lý hiện đang bị “bỏ hoang”. Ông bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện, cho ông mượn hoặc thuê lại với giá ưu đãi một trong những cơ sở này để mở rộng xưởng may, tiếp nhận thêm nhiều học viên, nhân viên là người khuyết tật.