Tuần qua, Chuyện Thầm kín (VOV2) nhận được câu hỏi của một thính giả không muốn nêu tên như sau: “Em 35 tuổi, vợ em 32 tuổi, chúng em đã kết hôn được 2 năm nay nhưng mong mãi mà chưa có con. Đi khám bác sĩ kết luận tinh trùng vừa thiếu, vừa yếu và giãn tĩnh mạch thừng tinh. Chúng em rất buồn và lo lắng. Xin hỏi có những phương pháp nào điều trị bệnh lý này?".

Theo BS Hà Ngọc Mạnh – Giám đốc BV Nam học và hiếm muộn Việt – Bỉ, bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh rất thường gặp ở nam giới trong độ tuổi sinh sản. Đây là tình trạng giãn không hồi phục của hệ thống tĩnh mạch đưa máu từ tinh hoàn trở về tim. Khi tĩnh mạch tinh bị giãn có thể gây ra đau tức tinh hoàn, gây teo tinh hoàn và ảnh hưởng tới hoạt động tình dục cũng như làm suy giảm khả năng sinh sản, thậm chí gây vô sinh ở nam giới.

Ở nhóm bệnh nhân mà bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thì có 3 nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Đầu tiên là tĩnh mạch tinh giãn gây ứ đọng máu trong tĩnh mạch, làm làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn dẫn đến giảm khả năng sản xuất tinh trùng. Nguyên nhân thứ hai là khi máu bị ứ đọng trong tĩnh mạch thì rất nhiều chất cặn bã từ tế bào qua đường tĩnh mạch để về gan và thận rồi đào thải ra bên ngoài cũng ứ trệ tại đó và gây độc cho tinh hoàn, khiến tinh hoàn teo nhỏ. Nguyên nhân thứ ba là máu trong tĩnh mạch không lưu thông thì cũng làm giảm lượng máu từ động mạch đến nuôi dưỡng tinh hoàn, do đó khiến tinh hoàn bị thiểu năng. Theo năm tháng, chức năng của tinh hoàn kém dần đi, số lượng và chất lượng tinh trùng đều giảm” – BS Hà Ngọc Mạnh giải thích.

Cũng theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, đối với những bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh không xuất hiện cảm giác đau, không gặp khó khăn sinh sản thì bác sĩ thường sẽ yêu cầu theo dõi thêm một thời gian. Nếu trong quá trình theo dõi, bệnh không có dấu hiệu nặng thêm và chức năng sinh sản hoàn toàn không bị ảnh hưởng thì bệnh nhân có thể không cần điều trị. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được chỉ định nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau nhiều, làm tinh hoàn bị co rút, kém phát triển hay ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân.

“Hiện có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh như dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp thủ thuật, phẫu thuật. Tùy theo nguyên nhân và mức độ của bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp theo dõi, điều trị phù hợp nhất đối với người bệnh. Với những trường hợp mà tinh trùng vừa thiếu, vừa yếu do giãn tĩnh mạch thừng tinh, sau can thiệp hoặc phẫu thuật thì chất lượng của tinh trùng có thể hồi phục và giúp sinh con bình thường. Nếu sau điều trị, số lượng và chất lượng tinh trùng cải thiện không đáng kể thì các bác sĩ sẽ hướng dẫn các cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Điều quan trọng là bệnh tĩnh mạch thừng tinh cần được phát hiện sớm. Do đó, các bạn không nên quá lo lắng khi mắc bệnh lý này mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời” – BS Hà Ngọc Mạnh chia sẻ.

Giãn mạch thừng tinh là có thể chữa khỏi, tuy nhiên sau khi điều trị thành công bệnh có thể tái phát. Để tránh nguy cơ này, BS Hà Ngọc Mạnh khuyên bệnh nhân nên lưu ý tránh các hoạt động thể lực mạnh, như chạy, nhảy, chơi các môn thể thao cường độ cao để hạn chế gây áp lực cho vùng bụng và vùng bìu.