Hiện nay có 10 loại thu nhập được tính vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Lãi từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài không phải là khoản thu nhập chịu thuế. Chỉ doanh nghiệp có lãi tiền gửi mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sau gần 20 năm thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, mới đây, góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung luật, UBND thành phố Cần Thơ lại một lần nữa khiến dư luận quan tâm khi đề xuất mở rộng thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, chỉ những khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ mới nên được miễn thuế, còn các khoản có giá trị lớn cần tính thuế như một khoản thu nhập.
Đề xuất này của UBND thành phố Cần Thơ không mới, bởi ngay từ năm 2005, khi đang trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế cho Pháp lệnh Thuế thu nhập với người có thu nhập cao, việc có hay không đánh thuế với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm đã được đề cập.
Việc đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi cũng đã được các nước trên thế giới thực hiện. Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc cũng thu thuế đối với thu nhập từ lãi suất, trong khi Hàn Quốc coi tiền lãi là thu nhập phải nộp thuế.
Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng luật cũng như thời điểm sửa luật năm 2017, đa phần các ý kiến vẫn cho rằng không đánh thuế với thu nhập từ các hình thức gửi tiền tiết kiệm nhằm khuyến khích người dân gửi tiền, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn của các ngân hàng phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ cũng luôn chủ trương khuyến khích người dân tham gia và cam kết không đánh thuế thu nhập với loại hình này.
Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thuế, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách, đứng sau số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Hơn 2/3 số thu thuế TNCN là đến từ nguồn thu nhập tiền lương, tiền công của các cá nhân chịu thuế.
Trong bối cảnh đó, lãi từ tiền gửi tiết kiệm (có thời điểm cao, nhưng hiện tại không cao) chỉ là nguồn thu nhập của một số ít cá nhân, trong đó, có nhiều cá nhân là người cao tuổi, dựa vào thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm để dưỡng già. Hiện nay, điều mà nhiều người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công - đối tượng chủ yếu chịu thuế TNCN - quan tâm lại chính là việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với chi phí sinh hoạt cũng như giãn bậc thuế để tăng lợi thế sử dụng tiền lương, làm động cơ khuyến khích người lao động làm việc.
Thiết nghĩ, là một sắc thuế trực thu, người nộp thuế trực tiếp "móc tiền" từ túi của mình nộp vào ngân sách, việc thiết kế một sắc thuế TNCN phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người nộp thuế với lợi ích của quốc gia mới có thể giúp người có thu nhập cao vui vẻ, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của công dân với ngân sách Nhà nước.
Dù mở rộng cơ sở thuế được xem là xu hướng nhằm tăng nguồn thu, tuy nhiên, chính sách đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm nếu không thấu đáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen gửi tiết kiệm của người dân và dòng vốn huy động trong hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý vẫn cần phải hết sức cân nhắc tới lợi ích của người nộp thuế khi xây dựng chính sách để tránh rơi vào tình trạng “tham bát bỏ mâm”.