Thế giới đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn thế nào?
Theo GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội: Trên toàn thế giới, công nghệ bán dẫn thường được đào tạo chuyên sâu ở hệ sau đại học. Hệ đại học thông thường cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, kiến thức nền tảng. Vì vậy, trong bậc Đại học nếu cần mở các ngành về bán dẫn hiện nay có một số ngành đang được đào tạo phổ biến ở Việt Nam đã phù hợp với mục tiêu này là Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Điện tử viễn thông, Vật lý, Vật lý kỹ thuật, Khoa học vật liệu, Công nghệ hóa học. Các ngành này có kiến thức nền tảng đủ để tiếp tục học và làm việc ở trong lĩnh vực bán dẫn.

Bán dẫn bản chất là một lĩnh vực công nghệ rất rộng, có liên quan đến rất nhiều các ngành nghề khác nhau, từ vật liệu, từ hóa học, vật lý, điện, điện tử, cơ khí và những mảng ở lớp ứng dụng cao hơn là công nghệ thông tin, khoa học máy tính. Do đó, tùy theo định hướng công việc của các doanh nghiệp cụ thể, doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực ở những ngành phù hợp. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ phải đào tạo thêm một thời gian để người lao động lắm rõ được các kỹ thuật và đặc biệt là kỷ luật lao động cụ thể của doanh nghiệp mang tính đặc thù của ngành công nghệ bán dẫn.

Hiện tại, ở Việt Nam các trường ĐH không nhất thiết phải mở riêng ngành đào tạo về bán dẫn và thiết kế vi mạch, mà hoàn toàn có thể củng cố nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đã có. Với nền tảng nguồn nhân lực về khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật đã tốt nghiệp và đang đào tạo, các trường đào tạo bổ sung thêm về lĩnh vực bán dẫn, thiết kế vi mạch. Phương thức này sẽ đạt hiệu quả cao về chất lương, tiết kiệm được thời gian, và tránh lãng phí.

Tại trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN chuyên ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch điện tử được đào tạo từ nhiều năm nay như các ngành Điện tử viễn thông, Kỹ thuật máy tính của Khoa Điện tử viễn thông và ngành Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano của Khoa Vật lý kỹ thuật. Một số doanh nghiệp về bán dẫn và thiết kế vi mạch ở Việt Nam như Active-Semi trước đây, Dolphin, Quovo,... hàng năm tuyển dụng vài chục sinh viên tốt nghiệp từ trường ĐH Công nghệ.

Công nghệ bán dẫn không phải là ngành mở

Hiện nay, trường ĐH Công nghệ còn hợp tác với tập đoàn Samsung, Hàn Quốc mở chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng thiết kế vi mạch. Chương trình lựa chọn những sinh viên tốt nghiệp có năng lực học tập loại giỏi ở bậc cử nhân, kỹ sư của các ngành: Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, Điện tử viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý, Vật lý kỹ thuật trên cả nước. Mỗi năm chương trình chỉ chọn khoảng 10 học viên. Các học viên được học tập trong môi trường giáo dục toàn diện, và rèn luyện các kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch. Các học viên được miễn học phí và được cấp học bổng sinh hoạt.

GS Chử Đức Trình cho biết: Thời gian đào tạo bậc thạc sĩ về công nghệ bán dẫn kéo dài 24 tháng, sau khi tốt nghiệp các bạn học viên sẵn sàng có đủ điều kiện về kiến thức, về kỹ năng có thể làm việc trong lĩnh vực bán dẫn cho tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc.

Công nghệ bán dẫn không phải là ngành mở
Bán dẫn là một trong những ngành công nghệ cao, rất cao và không phải là ngành mở, đây là ngành khá là đóng ở trên Thế giới. Do đó, cơ hội để cho Việt Nam bước chân vào lĩnh vực này không phải là nhiều. Chúng ta vừa trải qua gần 3 năm đương đầu với dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi bán dẫn trên Thế giới có sự dao động. Do vậy, đây là cơ hội để Việt Nam bước chân vào lĩnh vực bán dẫn nhưng khả năng đấy không phải là dễ, và cơ hội cũng không nhiều.

Vừa qua, với sự quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, của Chính phủ và các Bộ ngành chúng ta cũng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp về bán dẫn trên toàn cầu và mở ra cơ hội bước đầu cho Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội này nó sẽ đến trong một vài năm chứ không phải đến ngay. Vì vậy việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Lĩnh vực công nghệ bán dẫn cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Tất cả các ngành công nghệ kỹ thuật đều yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, do vậy cần phải có sự đầu tư của Nhà nước. Nếu chỉ trông vào học phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các ngành đào tạo về công nghệ kỹ thuật thì rất khó khăn và các ngành này khó bứt phá.

Thời gian vừa qua, được sự ủng hộ của Đại học Quốc gia Hà Nội, sự ủng hộ của Chính phủ, trường ĐH Công nghệ đã được đầu tư một số phòng thử nghiệm cơ sở, cơ bản rất tốt cho cái lĩnh vực đào tạo công nghệ kỹ thuật nói chung và liên quan đến cái mảng thiết kế chip, liên quan đến bán dẫn nói riêng.

Với nền tảng phòng thí nghiệm đang có, ĐH Công nghệ hoàn toàn có thể đáp ứng được cho chương trình đào tạo thạc sĩ, đào tạo đại học về một số lĩnh vực trong lĩnh vực bán dẫn. Ví dụ như là liên quan đến công nghệ chế tạo, liên quan đến thiết kế...

Tuy nhiên, nếu để đáp ứng được yêu cầu làm về đào tạo nghiên cứu sinh về lĩnh vực này thì cần phải đầu tư thêm. Khi đó chúng ta phải có hệ thống phòng thí nghiệm mạnh hơn, cao cấp hơn, các hệ thống phòng sạch tốt hơn nữa. Hệ thống phòng sạch như vậy thì vốn đầu tư không hề rẻ, ngay với quy mô của quốc gia.

GS Chử Đức Trình đề xuất: Để giải bài toán về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thời gian tới, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi một tỉnh, thành, Chính phủ có thể đầu tư một phòng thí nghiệm lớn để các trường có thể đến để khai thác mô hình này. Đây cũng không phải mô hình mới trên thế giới mà nhiều nước đã thực hiện như Đài Loan (Trung Quốc) là một ví dụ rất là thành công.

Nguồn nhân lực để đào tạo lĩnh vực Bán dẫn của Việt Nam có thiếu?

GSTS Chử Đức Trình khẳng định: Nhân lực của lĩnh vực đào tạo bán dẫn của Việt Nam không quá thiếu. Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đào tạo rất nhiều các sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật, sau đó làm thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường ĐH danh tiếng ở nước ngoài. Do đó, đội ngũ người Việt làm về bán dẫn ở trên toàn cầu có năng lực rất tốt. Đặc biệt tập trung ở một số nơi: Hoa Kỳ, 1 số nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... Nếu như chúng ta có một cơ chế tốt thì hoàn toàn có thể thu hút các cán bộ về nước tham gia đào tạo.

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Tại Hội thảo về đào tạo lĩnh vực bán dẫn diễn ra tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay song số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Thứ trưởng cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

“Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu", Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Trong đó cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.

Đề cập tới một số nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng nhắc tới nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm… Cùng với đó là cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Vấn đề đặt ra bây giờ là nhu cầu, giả sử một năm mà nhu cầu đào tạo khoảng cứ vài chục sinh viên đến 100 sinh viên thì không phải là bài toán lớn đối với các trường hiện nay. Nhưng nếu đào tạo nhiều hơn thì doanh nghiệp, xã hội cũng phải đồng hành cùng.

Đối với trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN hiện có 2 khoa được tập trung vào đào tạo lĩnh vực bán dẫn đó là khoa điện tử - viễn thông và khoa Vật lý kỹ thuật. Trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN rất sẵn sàng cho việc đào tạo về bán dẫn. Trong thời gian tới, việc mở rộng hợp tác với Trường ĐHKH Tự nhiên, về công nghệ hóa..., ĐH Công nghệ hoàn toàn có được một bức tranh toàn cảnh cho lĩnh vực đào tạo bán dẫn nếu như xã hội có nhu cầu.

Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn toàn cầu đang khiến các trường ĐH ở Việt Nam phải tính toán, cân nhắc để mở ra ngành đào tạo bán dẫn hoặc xây dựng, mở rộng thêm chương trình đào tạo hiện có ở một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực bán dẫn với kỳ vọng, sinh viên tốt nghiệp những ngành này có thể đầu quân cho thị trường lao động hấp dẫn đang khát nhân lực này.

Làm thế nào để việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng mà không gây ra lãng phí, không rơi vào thái cực “ khủng hoảng thừa”? Vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự nhạy bén và tỉnh táo vì đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức.