Dân gian có câu “Nữ thập tam, nam thập lục” để chỉ độ tuổi dậy thì của nam và nữ. Tuy nhiên, ngày nay, xã hội phát triển, nhu cầu dinh dưỡng cũng được đáp ứng đầy đủ nên tuổi dậy thì của các bé trai và bé gái có xu hướng sớm hơn, trong khoảng 11-12 tuổi đối với nữ và 13 -14 tuổi đối với nam.
Song cũng vẫn có những trường hợp dậy thì muộn và điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản cũng như hoạt động tình dục khi bước vào tuổi trưởng thành.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học - Bệnh viện E cho biết, sau độ tuổi dậy thì mà cơ thể của trẻ nói chung và các cơ quan sinh dục nói riêng không phát triển, ngực không nở nang, chiều cao không tăng lên, ở nữ giới không xuất hiện kinh nguyệt… thì được coi là dậy thì muộn.
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn có thể là do gen di truyền, do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ hoặc do tuyến sinh dục của trẻ sản xuất ít hoặc không sản xuất ra hormone.
“Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ sẽ bị tâm lý mặc cảm, tự ti, có xu hướng tách rời, không hòa nhập với những người xung quanh, thậm chí có trường hợp bị trầm cảm. Một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ có vóc dáng nhỏ bé hơn các bạn cùng trang lứa dễ bị bắt nạt hơn. Đến tuổi trưởng thành thì khả năng tìm kiếm bạn đời sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Những trường hợp dậy thì muộn do thiếu hụt hormone thì nhu cầu tình dục bị suy giảm rồi khả năng sinh sản cũng sẽ giảm đi rất nhiều”- BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo.

Do đó, khi thấy trẻ có các dấu hiệu dậy thì chậm hơn so với thông thường thì các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế chuyên về nhi khoa, nam học hoặc sản khoa để được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá và thực hiện một số xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân gây dậy thì muộn. Khi được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách trẻ sẽ phát triển bình thường.
“Ví dụ như danh thủ Lionel Messi cũng đã trải qua giai đoạn dậy thì muộn do bị chẩn đoán mắc chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng khi mới 11 tuổi, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và chiều cao. Tuy nhiên, với sự can thiệp y tế sớm và nỗ lực của bản thân, Messi đã đạt được chiều cao 1m68 và trở thành một trong những cầu thủ bóng đá danh tiếng và thành công” – BS Nguyễn Đình Liên nêu ví dụ.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên, có rất nhiều biện pháp can thiệp nhằm giúp trẻ dậy thì muộn bắt kịp sự phát triển với các bạn cùng trang lứa.
“Cha mẹ không nên nghĩ rằng bản thân mình ngày xưa dậy thì muộn và thấp bé thì các con cũng sẽ như vậy. Đúng là yếu tố gen di truyền rất quan trọng, chúng ta không thể thay đổi được nguồn gen nhưng có thể cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng, bằng luyện tập thể dục thể thao để giúp trẻ tăng trưởng tốt. Nếu trẻ bị rối loạn hoặc thiếu hụt hormon thì các bác sĩ sẽ điều chỉnh hoặc bổ sung hormone cho trẻ. Việc can thiệp được thực hiện càng sớm càng tốt sẽ giúp chiều cao, cân nặng và sinh lý của trẻ phát triển và khi trưởng thành vẫn có thể sinh hoạt tình dục, sinh con bình thường”- BS Nguyễn Đình Liên khẳng định.