Sáng 17/4, tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn ra buổi ra mắt cuốn bút ký “Đi dọc thời gian” của nhà báo Trần Đức Nuôi.

Nhà báo Trần Đức Nuôi, bút danh Vĩnh Trà, nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, sinh năm 1946, quê ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Nhiều năm qua, ông dùng ngòi bút của mình để kể lại những câu chuyện về Đài, về những "người nhà Đài" một cách rất đằm thắm và chứa chan tình cảm.
Không chỉ "viết sử" nhà Đài, ông còn được bạn đọc biết đến là một nhà văn với nhiều tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết như: Mưa chiều đất cuối, Con đường nắng lửa, Khoảnh khắc nắng, Dòng sông trên cao, Hoa Khát, Dầu máu, Cháy, Một ngày và một giờ, Đạo trời trong gang tấc... Và gần đây nhất là bút ký “Đi dọc thời gian”.
Tại buổi ra mắt sách, chia sẻ thêm về chương “Chạm đáy” thuộc phần ba “Ngồi với nhau lâu hơn một chút”, nhà báo Trần Đức Nuôi đã kể lại về cuộc sống thiếu thốn mà ông và nhiều đồng nghiệp khác trải qua trong thời chiến. “Kể lại những cái mà chúng ta sống trong chiến trường và trong thời tập trung quan liêu bao cấp, tôi phải dùng chữ là khắc nghiệt, là khốc liệt, là cuối đường hầm, là tận đáy. Nhưng mà trong cái bút ký của tôi thì người ta sợ là chạm đáy, không thể ngóc đầu lên được nữa. Nếu không có đổi mới thì phải nói rằng không có những hôm nay đâu. Cuộc sống đấy nó khắc nghiệt đến mức như thế nào khi mà "Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài/ Bốn nhà còn lại bằng hai nhà nghèo". Một đời như thế”...

Qua những trang viết của bút ký “Đi dọc thời gian”, thế hệ mai sau có thể hiểu được phần nào nỗi vất vả, sự hy sinh của các thế hệ trước trong những ngày gác lại sách, bút, micro, “xẻ dọc Trường Sơn” và cả những niềm đam mê của nhà báo Trần Đức Nuôi với nghề viết.