Dự kiến dạy AI đại trà

Việc này nằm trong những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá của TP.HCM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sở GD-ĐT TPHCM đã đặt hàng Trường ĐH Sài Gòn xây dựng đề tài khoa học: Xây dựng nội dung giảng dạy AI cho HS phổ thông TP.HCM, bắt đầu từ lớp 3. Đề tài sẽ là cơ sở để các trường triển khai giảng dạy cho các khối lớp. Nếu đúng tiến độ, từ năm học 2024 - 2025, TP.HCM có thể đưa AI vào giảng dạy trong trường phổ thông một cách đại trà.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, dự kiến nội dung chương trình ở mỗi bậc học khác nhau nhưng theo dạng xoắn ốc, càng lên cao thì nội dung được nhắc lại và bổ sung thêm kiến thức.

Hiện nay, các buổi sinh hoạt chuyên môn bộ môn Tin học, Phòng Giáo dục Trung học đã chỉ đạo có những buổi tập huấn, sinh hoạt, lồng ghép giới thiệu các nội dung AI trong buổi sinh hoạt chuyên đề. Ngoài ra, các tổ chuyên môn cũng chọn lọc nội dung liên quan đến AI bổ sung kiến thức mở rộng. “Khi chương trình được thông qua và triển khai đại trà, Sở GD-ĐT TPHCM chắc chắn sẽ có đợt tập huấn rộng cho các thầy cô”, ông Quốc khẳng định.

Theo ông Quốc, thầy cô dạy AI dự kiến có 2 hướng: một là giáo viên Tin học, hai là giáo viên Toán có khả năng tốt về Tin học hỗ trợ giảng dạy.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, học sinh TP.HCM cần có thay đổi cách tiếp cận nhanh, trang bị kiến thức để khai thác được thế mạnh của AI trong học tập, biết phòng ngừa rủi ro, bảo vệ mình khi tham gia không gian mạng và ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Trước đó, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM đã triển khai giảng dạy AI cho học sinh các lớp chuyên khối 10, 11, 12 từ năm học 2019-2020. Một số trường trên địa bàn TPHCM cũng tổ chức giảng dạy AI dưới hình thức câu lạc bộ.

Nhận thấy tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, năm học vừa rồi Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM đã cho học sinh tiếp cận AI dưới hình thức câu lạc bộ. Từ đó, học sinh đã tạo ra 12 sản phẩm. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuối tháng 4/2024, câu lạc bộ ra mắt 2 sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Đó là “Nhận dạng đồng phục thể dục của trường THPT Bùi Thị Xuân” và “Dự đoán tỉ số của 1 trận đấu”. Theo thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, thành quả này là công lao của tập thể sư phạm trường, đặc biệt là các GS, TS Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Hoa Sen đã giảng dạy miễn phí. Quan trọng nhất là nỗ lực của các em HS, một tuần 2 buổi, một buổi 2 tiếng học tập và làm việc liên tục không kể ngày lễ.

Từ năm 2019, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã có tuyên bố ủng hộ đưa AI vào giáo dục phổ thông. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị cho Bộ Giáo dục các nước về việc đưa AI vào chương trình giáo dục phổ thông.

Theo bà Đậu Thúy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đào tạo quản lý trực tuyến – OMT, tác động của công nghệ AI lên cuộc sống con người ngày càng toàn diện không những trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông...mà còn cả các vấn đề lớn toàn cầu như hòa bình, bền vững,bình đẳng giới. Công dân rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam ngày nay đang tăng cường tương tác với AI ngay cả khi chúng ta không để ý đến điều này. AI hiện diện trong các hệ thống tìm đường, tự động hóa dịch vụ khách hàng, chọn sinh viên được vào ĐH, thậm chí chọn cả người được nhận học bổng, đưa ra những quyết định tài chính cá nhân... Thực tế này cho thấy, AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Do vậy học sinh cần được chuẩn bị kiến thức về AI ngay từ bây giờ.

Bà Đậu Thúy Hà cho rằng, không nhất thiết chỉ đến cấp rất cao học sinh mới được tiếp cận AI, cũng không chỉ có những người học theo chuyên môn trí tuệ nhân tạo mới được học mà chúng ta có thể phổ cập khi trẻ còn nhỏ ở những nội dung phù hợp hơn. Bà Hà cho biết, OMT đã phát triển ứng dụng quản lý trường mầm non mà nhiều trường đang dùng có tên KidsOnline. Buổi sáng trước khi đến lớp và buổi chiều về các con được điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt. Đây là một ví dụ về ứng dụng của AI mà trẻ được làm quen ngay từ cấp độ mầm non. “Do đó khi vào lớp 3, trẻ được học khái niệm cơ bản về AI ở một mức độ đại trà, tôi nghĩ hoàn toàn khả thi, chúng ta có thể làm theo mô hình tháp học tập chứ không nhất thiết một số người học chuyên ngành sâu về AI mới cần học AI từ cấp phổ thông”, bà Hà khẳng định.

Sở GD-ĐT TPHCM đã lồng ghép, tích hợp nội dung AI vào môn tin học phổ thông. Đây là cách làm theo mô hình tháp học tập. Theo bà Hà, nền tảng của tháp học tập là những tiết học hoặc hoạt động giới thiệu AI, làm quen AI trong môn Tin học. Sau đó, trong lớp có những học sinh đam mê với AI sẽ được khuyến khích tham gia CLB AI. Cao hơn nữa là các em được tham gia các cuộc thi về AI. Tiếp đó, với những bạn muốn học sâu hơn về AI, ngành giáo dục có thể chủ động tạo cơ hội để các em được tiếp xúc với các chuyên gia AI trong nước và quốc tế, được tham quan, trải nghiệm ở các công ty như FPT AI Lab, Vin AI hoặc các công ty giải pháp AI khác...

Lo dạy AI theo kiểu "đu trend"

Mặc dù học sinh đón nhận chương trình giảng dạy AI rất hào hứng nhưng theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM càng học lên cao thì số lượng HS trong CLB dần “rơi rụng”. Cụ thể khi mới thành lập, CLB có 156 em, sau 7 tháng học chỉ còn 28 em. Nguyên nhân là càng lên cao, các học phần chương trình ĐH càng nặng. Trong khi đó, các em còn phải chú trọng tới những môn học khác nên không thể toàn tâm toàn ý cho học AI. Chỉ có những em thực sự đam mê và quyết tâm thì mới đi tới cùng.

Khi biết chương trình AI có thể sẽ được giảng dạy đại trà bắt đầu từ lớp 3 thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng “coi chừng đem muối bỏ biển”. Bởi, AI không dễ, muốn hiểu và làm được AI, học sinh phải có nền tảng về công nghệ thông tin, phải tiếp cận những học phần tin học đặc biệt. Do đó học sinh ở cấp tiểu học, THCS khó có thể cọ xát được. Theo thầy Phú cần nghiên cứu đưa chương trình vào giảng dạy ở giai đoạn nào, dạy gì cho phù hợp.

Ngay như ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, thầy cô nhà trường sẽ dạy HS các học phần về tin học còn giảng viên của Trường ĐH Hoa Sen dạy về thuật toán ở chương trình ĐH. Hơn nữa, về cơ sở vật chất đòi hỏi nhà trường phải có các phòng máy, đường truyền đủ mạnh để phục vụ thực hành. Quan trọng nhất là ý chí muốn triển khai, muốn thành công của người đứng đầu.

Thầy Phú cho rằng dạy AI khó triển khai đại trà và thậm chí gây nặng nề cho các nhà trường khi cơ sở vật chất, nhân sự không đảm bảo. “Cái này (AI) giảng viên tiến sĩ mới dạy được chứ giáo viên cấp 3 thì không dạy được”, thầy Phú nói và cho rằng thay vì triển khai đại trà thì cần đầu tư cho từng trường có CLB để chọn được nhân tài, thực sự đam mê với AI.

Chia sẻ với những băn khoăn của thầy Huỳnh Thanh Phú, bà Đậu Thúy Hà cho rằng, chương trình ban đầu sẽ có nhiều học sinh muốn tham gia. Đây là lớp nền. Tiếp đó, những bạn thực sự đam mê chỉ chiếm 10-15% tổng số học sinh. Những học sinh đam mê sâu với AI sẽ được hướng dẫn theo cách chuyên sâu còn những bạn còn lại sẽ được dạy để tự tin hiểu AI là gì và các tình huống cần sử dụng AI trong cuộc sống.

Bà Hà cho rằng khi bắt đầu triển khai một cái gì mới cũng đều khó khăn nhưng AI hiện giờ không còn là “trend” mà là thực tế cuộc sống. Báo cáo của UNESCO tại thời điểm năm 2020, có trên 10 nước trên thế giới chính thức đưa AI vào chương trình giáo dục phổ thông. Nếu không làm chúng ta sẽ nằm trong số các quốc gia tụt hậu.

Vừa rồi, Trung Quốc đã phát động chiến dịch AI vì họ đã đưa AI chính thức hóa vào chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2017. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc. Để triển khai, bà Hà thừa nhận cần có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, cơ sở hạ tầng vì AI không thể “học chay”.

“Có nhiều cách để giải quyết vấn đề về thiết bị, kể cả máy ảo. Những nơi không đủ máy, chúng ta có thể học chung theo nhóm. Các hãng công nghệ đều có những chương trình hỗ trợ đặc biệt cho giáo dục. Khi kết hợp các giải pháp này, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán về hạ tầng, trang thiết bị cho học tập.

Chương trình chuẩn bị có, công tác giáo viên đã được Sở GD-ĐT TPHCM đặt vấn đề. Đây là những tiền đề quan trọng để chương trình thí điểm ứng dụng đại trà dạy AI cấp phổ thông khả thi”.

Trao đổi về những băn khoăn về nhân sự khi áp dụng giảng dạy AI đại trà, bà Đậu Thúy Hà cho rằng, hơn 10 quốc gia đã có chương trình giáo dục AI trong chương trình giáo dục phổ thông đều đào tạo giáo viên phổ thông như cách TPHCM dự kiến thực hiện. Nguồn nhân lực này chủ yếu đến từ đội ngũ giáo viên dạy môn Tin học và môn Toán để trở thành những người có thể dạy thêm một phần nội dung là AI trong phạm vi của các chương trình đó. Không nhất thiết phải có tiến sĩ”./.

Nghe chương trình tại đây: