Những năm qua, giáo dục đặc biệt đã có sự chuyển mình rõ rệt, số lượng trẻ khuyết tật được đi học, hòa nhập ngày càng nhiều, trong đó nhiều em khuyết tật đã phát huy tốt năng lực của bản thân, có công ăn việc làm, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, chuyên gia về giáo dục đặc biệt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Cả nước hiện nay đang chuyển mình và bước sang thời đại công nghệ số, giáo dục đặc biệt đương nhiên sẽ không nằm ngoài cuộc thay đổi này."

Theo GSTS Nguyễn Thị Hoàng Yến, số hóa cũng như là trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra một tiềm năng vô tận cho giáo dục đặc biệt. Trí tuệ nhân tạo là một cơ hội và để có thể ứng dụng được, hoặc sử dụng được cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt hay không, còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là vào cơ sở hạ tầng, thứ hai là vấn đề thiết bị, rất nhiều những thiết bị có thể bù đắp tốt cho sự khiếm khuyết. Thế nhưng giá của nó rất đắt và ở Việt Nam hiện nay chưa có.

Với điều kiện hiện nay, chúng ta nên tập trung vào hai vấn đề: Thứ nhất là vấn đề đào tạo, cần phải đào tạo giáo viên, giảng viên, các chuyên gia làm việc trong những lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Những người đó phải hiểu rất kỹ, hiểu rất rõ về giá trị của số hóa như thế nào? Rồi làm thế nào để trở thành những công dân số. Giai đoạn này đang là giai đoạn đào tạo, giai đoạn quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi chuyển sang công nghệ số.

Thứ hai là vấn đề nghiên cứu hiện nay với Việt Nam rất là cần thiết. Khi thế giới đã có những bước nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số cho các loại khuyết tật khác nhau, ví dụ cho trẻ khiếm thị, cho trẻ khiếm thính, cho trẻ khuyết tật phát triển, cho trẻ rối loạn ngôn ngữ và giao tiếp... Họ đã đi trước, nhưng chúng ta cần tự tin để nghiên cứu trên những đặc thù của trẻ khuyết tật Việt Nam, trong điều kiện của Việt Nam. Bởi vì chúng ta không thể áp dụng một cái quá hiện đại vào cái mà chúng ta còn chưa được tốt, còn chưa được thích ứng, thì rõ ràng cũng sẽ không hiệu quả.

Bên cạnh đó, khuyến khích các bạn khuyết tật cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu để có thể biến đổi một số thiết bị cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, cũng như là điều kiện với chính những người khuyết tật vì họ là người thụ hưởng.

Theo TS Tôn Quang Cường, việc chúng ta đưa các công nghệ giáo dục vào trong nhà trường sẽ đòi hỏi một sự cộng tác, hợp tác của rất nhiều các bên liên quan, chứ không chỉ thuần túy là đội ngũ giáo viên. Nó sẽ đặt ra những bài toán rất lớn cho các nhà nghiên cứu, những người trực tiếp thực hiện công tác đào tạo giáo dục, rồi cha mẹ học sinh, cũng như một sự cộng hưởng từ các lực lượng khác ở bên ngoài xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thư, cán bộ nghiên cứu Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia khẳng định: Chúng ta phải thừa nhận là bây giờ số hóa, công nghệ rất ảnh hưởng đến giáo dục, trong đó cho các lĩnh vực như giáo dục đặc biệt. Bản thân người nghiên cứu lĩnh vực này nhận thấy là số hóa, công nghệ nó sẽ có tác động lớn đến việc thay đổi, những cách tiếp cận cũng như là những nghiên cứu, soạn thảo, những chương trình có thể hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận với giáo dục và tiếp cận với những công nghệ.

Đối với giáo dục đặc biệt thì chúng tôi hiểu rằng là hai nhóm đối tượng mà sẽ có những tác động chính là: Đội ngũ, cán bộ, giáo viên, giảng dạy trực tiếp cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt .

Với nhóm nguồn nhân lực là giáo viên và cán bộ quản lý thì cần phải nâng cao năng lực, cũng như nâng cao những kỹ năng trong quá trình thực hiện các công việc liên quan đến số, liên quan đến các công nghệ giảng dạy là một điều vô cùng quan trọng. Điều này tác động rất là lớn đến hiệu quả học tập đối với trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Bên cạnh đó, đối với các em học sinh là những nhóm đối tượng hưởng lợi chính, nhưng cũng đồng thời là nhóm đối tượng sử dụng chính về phần công nghệ thì đây là thách thức đối với các em trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức như vậy, chính các em lại là những người mà có thể tự nghiên cứu, tự tìm hiểu để có thể là tìm ra con đường cho mình trong quá trình tiếp cận với công nghệ thông tin.