Theo ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, hình tượng Rồng vốn gắn bó, hoà hợp, là biểu tượng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Rồng là con vật huyền thoại, nó đẹp và diệu kỳ qua trí tưởng tưởng vô cùng phong phú của con người. Năm nay là năm Rồng, theo quan niệm của người Việt là năm đẹp và nhiều may mắn nên Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng”.
Trưng bày giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật được chia làm 3 chủ đề: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt; Hình tượng rồng trong đời sống đương đại để nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, qua bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và ứng dụng rồng trong đời sống - mỹ thuật đương đại được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc. Qua đó, Bảo tàng Hà Nội mong muốn sẽ truyền tải đến công chúng những ý nghĩa tốt lành, mong ước năm mới Giáp Thìn may mắn, hạnh phúc, sung túc đến mọi nhà.
"Nếu như trước đây Rồng chỉ được dùng cho Vua chúa, là con vật đứng đầu trong Tứ linh thì nay thế hệ trẻ đã đưa linh vật rồng vào ứng dụng trên nhiều sản phẩm của các làng nghề, trên áo dài, vật dụng sinh hoạt... Điều đó cho thấy sự tiếp nối truyền thống xưa và sự sáng tạo trong đời sống đương đại để bảo tồn, gìn giữ một cách hài hòa nhất giá trị truyền thống ông cha đã để lại", ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.
Bên cạnh trưng bày “Năm Thìn kể chuyện Rồng”, Bảo tàng Hà Nội cũng giới thiệu tới du khách trưng bày chuyên đề “Phong vị Tết xưa Hà Nội”. Ở không gian này, những câu chuyện về bánh chưng, tục dựng cây nêu, chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ; thú chơi cây cảnh ngày Tết, pháo Tết và chợ Tết (xưa và nay). Tất cả được thể hiện qua bộ ảnh sưu tầm trong nước và quốc tế kết hợp với nghệ thuật sắp đặt trong không gian trưng bày Nếp xưa.
Tết nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong năm, đồng thời cũng là lễ hội quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam. Mỗi mùa Tết đến, khắp nơi đều tràn ngập không khí vui tươi, hân hoan và đầy sức sống. Tết Nguyên Đán trong văn hóa Việt Nam không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa các năm Âm lịch mà còn chứa đựng nhiều giá trị tâm linh và văn hóa đáng quý. Đây là thời điểm con người tạ ơn thần linh vì một mùa vụ bội thu và cầu mong cho một năm mới thịnh vượng. Đồng thời, Tết còn là thời điểm gắn kết gia đình, mọi người sum vầy, tưởng nhớ tổ tiên và thể hiện lòng biết ơn. Tất cả tạo nên không khí hạnh phúc và đoàn kết, khiến Tết Nguyên Đán trở thành khoảnh khắc đáng nhớ và ý nghĩa cho mọi nhà. Nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Phong vị tết xưa Hà Nội” nhằm gợi lại các phong tục tốt đẹp của tết cổ truyền dân tộc.
Nhân dịp này, Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm "Phong vị Tết xưa Hà Nội" với sự tham gia của các chuyên gia PGS.TS Bùi Xuân Đính, TS Trần Đoàn Lâm để cùng trò chuyện về phong tục chuẩn bị Tết xưa người Hà Nội, tục lệ chúc Tết truyền thống.
Theo TS Trần Đoàn Lâm, Tết là thời gian chuyển mình giữa năm cũ sang năm mới. Khi tất cả đều mới, người ta có xu hướng kiểm điểm những gì đã làm trong năm vừa qua và ước vọng năm mới. Những lời chúc Tết thể hiện tình cảm, ước vọng của con người với những gì tốt đẹp năm cũ chưa làm được thì năm mới sẽ làm. Ước vọng đó là động lực để người ta sống, làm việc, hy vọng trong năm mới gặt hái được nhiều thành công mới. Về mặt tâm sinh lý học, con người đến mùa Xuân là khí dương phát triển, để mùa hè đạt đến trạng thái dương. Cho nên bản thân con người rất phấn khởi. Con cháu chúc ông bà bố mẹ, mọi người chúc nhau cũng phản ánh sự phát triển của con người trong mùa Xuân cũng như ước vọng của con người".
Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa - Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội cho biết, Tết là một điều gì đó thiêng liêng trong mỗi người, có những điều đến tận bây giờ chúng ta vẫn giữ được, nhưng có những thứ đã mất đi theo thời gian. Vì vậy, Bảo tàng Hà Nội mong muốn thông qua trưng bày này để kêu gọi mọi người chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, tăng lượng tương tác trên trang fanpage của Bảo tàng Hà Nội, giao lưu với khách tham quan nhân dịp đầu xuân năm 2024, Bảo tàng Hà Nội tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ hình ảnh đẹp chụp tại Bảo tàng Hà Nội theo chủ đề Khoảnh khắc mùa xuân. Theo đó, Ban tổ chức nhận ảnh từ ngày 27/1 đến 27/2/2024; Công bố kết quả ngày 6/3 và trao thưởng ngày 8/3/2024.
Một số hình ảnh tại sự kiện: