Vào mỗi dịp cuối năm, tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép thường có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt là hiện tượng tự sản xuất pháo nổ rất phổ biến có thể xẩy ra những hậu quả khôn lường. Dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024, tình trạng này xẩy ra ở nhiều tỉnh Tây Nguyên:
# Tối 8/1, tại Lâm Đồng xảy ra vụ nổ pháo khiến hai học sinh 14 tuổi, ngụ xã Hòa Bắc, huyện Di Linh nguy kịch, bị đa vết thương, thủng phổi. Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định vụ tai nạn xảy ra do hai học sinh tự chế tạo pháo, trong quá trình trộn hóa chất xảy ra nổ. Số hóa chất này được mua từ trên mạng.
# Tại Gia Lai, ngày 31/12/2023, Công an thị xã Ayun Pa đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một vụ sáu học sinh một trường THCS (từ lớp 6 đến 9) chế tạo pháo. Tang vật thu giữ là 2 kg các tiền chất và 62 quả pháo tự chế có kích thước 5 cm đến 25 cm; 11 vỏ nhựa và một số vật dụng khác dùng để chế tạo pháo nổ.
# Ngày 22/12/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an huyện Chư Sê phát hiện, xử lý hai học sinh tại một trường THCS trên địa bàn mua tiền chất thuốc nổ để chế tạo pháo. Công an thu giữ 1 kg tiền chất thuốc nổ, 50 gam thuốc pháo nổ, 89 vỏ pháo giấy, 43 vỏ pháo bi bằng nhựa và nhiều nguyên liệu, dụng cụ khác nhau dùng để chế tạo pháo nổ.
# Tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai), hai học sinh trường THCS Phan Chu Trinh (lớp 6 và lớp 7, xã Nam Yang) không may lúc pha trộn hóa chất đã xảy ra vụ nổ, gây bỏng nặng ở mặt, tay, chân hiện và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.
# Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, Công an huyện Đăk Hà bắt quả tang em TVH (17 tuổi, ngụ xã Hà Mòn) trong quá trình chế tạo pháo nổ.
Luật sư Đào Đình Anh – Trưởng Văn phòng Luật sư VNASEAN cho biết việc mua bán hóa chất, rồi sản xuất sử dụng pháo nổ đều là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP và Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định của bộ luật hình sự.
Trường hợp các cháu học sinh mua bán hóa chất rồi sử dụng để sản xuất pháo đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tết Nguyên đán sắp đến, để tránh vi phạm pháp luật về sử dụng pháo, luật sư Đào Đình Anh khuyến cáo mọi người cần phân biệt giữa pháo hoa và pháo nổ.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định như sau: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Theo quy định trên, pháo hoa và pháo nổ đều là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Điểm khác nhau cơ bản là pháo nổ sẽ gây ra tiếng nổ, tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ mà chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh. Tất cả các loại pháo gây ra tiếng nổ đều không phải pháo hoa mà là pháo nổ hoặc pháo hoa nổ.
Như vậy, người dân chỉ được phép sử dụng loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ. Đến nay, chỉ có sản phẩm pháo hoa do Nhà máy Z121 Bộ Quốc phòng sản xuất là đáp ứng yêu cầu này./.
Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi với luật sư Đào Đình Anh - Trưởng Văn phòng Luật VNASEAN dưới đây: