Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 quy định người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Lao động giúp việc gia đình đang trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ do nhu cầu thị trường tăng cao, được pháp luật thừa nhận là một nghề và người lao động được bảo đảm các quyền, lợi ích bình đẳng như các lao động khác. Ở Việt Nam, lao động giúp việc gia đình xuất hiện từ rất sớm nhưng đến năm 1994 mới được thừa nhận và được quy định trong Bộ luật Lao động. Cho đến Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 thì các quy định về lao động giúp việc gia đình đã thực sự chi tiết và đầy đủ, tạo ra hàng rào pháp lý bảo vệ đối với lao động là người giúp việc gia đình, đảm bảo cho họ được hưởng sự bình đẳng về việc làm, tiền lương và điều kiện lao động. Tại Bộ luật Lao động 2019, quy định đối với lao động là người giúp việc gia đình từ Điều 161 đến Điều 165 và một số nội dung được quy định chi tiết từ Điều 88 đến Điều 91 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Mặc dù các quy định về lao động giúp việc gia đình hiện nay tương đối đầy đủ song chưa thực sự đi vào cuộc sống do việc thực hiện quy định về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan còn hạn chế. Bà Nguyễn Thùy Linh – Trưởng phòng Chính sách lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lao động giúp việc gia đình, nhất là thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người sử dụng lao động và lao động là người giúp việc gia đình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019 thì “người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình”. Tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ cũng đã ban hành mẫu hợp đồng lao động làm căn cứ để hai bên thỏa thuận, tạo thuận lợi cho quá trình giao kết hợp đồng lao động với 10 nhóm nội dung chủ yếu: thời hạn hợp đồng; công việc và địa điểm làm việc; tiền lương, thưởng và các khoản phụ cấp, bổ sung khác; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; điều kiện làm việc (trang bị bảo hộ lao động, chỗ ăn ở của người lao động, các điều kiện khác); quyền và nghĩa vụ của người lao động; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động; kỷ luật lao động; bồi thường thiệt hại (nếu có); thỏa thuận khác.
Bà Nguyễn Thùy Linh phân tích: "Người lao động giúp việc gia đình nhìn chung là đối tượng yếu thế, làm việc trong môi trường khép kín, đơn lẻ và chủ yếu là lao động nữ, trình độ học vấn thấp nên họ thường không có tiếng nói đủ tầm ảnh hưởng xét về mặt pháp lý. Do đó, pháp luật lao động quy định bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình nhằm giảm thiểu việc vi phạm các thỏa thuận đã cam kết ban đầu, đảm bảo quyền lợi của hai bên."
Tuy nhiên, thực tiễn, việc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản vẫn còn rất hạn chế, người sử dụng lao động và người lao động chủ yếu vẫn có thói quen thỏa thuận công việc với nhau bằng lời nói do đó thì khi xảy ra tranh chấp, vướng mắc về quyền lợi giữa các bên thì không có bằng chứng, chứng cứ để giải quyết. Vì thế, "để bảo đảm quyền lợi cho mình đồng thời đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, đề nghị người lao động trước khi làm công việc giúp việc gia đình phải thỏa thuận hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động theo mẫu hợp đồng tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ" - bà Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh.
Mời các bạn cùng nghe toàn bộ phần tư vấn của bà Nguyễn Thùy Linh – Trưởng phòng Chính sách lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với những câu hỏi cụ thể của thính giả về chế độ, chính sách với người lao động là giúp việc gia đình: